Kể từ gần thập kỷ nay, khi Trung Quốc đang trong công cuộc tìm kiếm những thị trường mới, các dự án có nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc bắt đầu tràn ngập ở Việt Nam.
Dòng vốn chảy từ Trung Quốc vào Việt Nam đạt mốc 700 triệu USD vào năm 2011, nhưng đến năm ngoái, con số này đã đạt 2,4 tỷ USD
Theo SCMP, một nghiên cứu được công bố vào cuối tháng 4 năm 2019 của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS có tên "FDI của Trung Quốc tại Việt Nam: Xu hướng, hiện trạng và thách thức" đã cho thấy thái độ của các học giả về vấn đề này.
Các nhà hoạch định chính sách cho rằng nguồn vốn đầu tư này không có giá trị trong việc tạo ra việc làm cũng như nâng cao tiêu chuẩn công nghiệp, nhân công và quy định. Đồng thời, các chuyên gia cũng tranh cãi việc các dự án của Trung Quốc đang khai thác nguồn nhân công và nguyên vật liệu giá rẻ, cùng lúc đó gây ô nhiễm môi trường tại các địa phương.
Tàu chở hàng ở Hải Phòng, thành phố cảng quan trọng ở phía Bắc. Ảnh: Alamy |
Trung Quốc là nhà đầu tư vào Việt Nam lớn thứ năm, sau Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Các lĩnh vực thu hút nguồn tiền đầu tư khác cũng ngày một đa dạng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Việt Nam sẽ cần cải cách các quy định, nâng cao đào tạo cũng như thúc đẩy chuỗi giá trị để các đầu tư trong tương lai mang lại lợi nhuận và hạn chế những tác động đến môi trường của ngành sản xuất chi phí thấp.
Điểm đầu tư yêu thích của FDI Trung Quốc
Khi chi phí lao động ở Trung Quốc đang ngày một tăng cao thì nguồn nhân công giá rẻ ở Việt Nam từ lâu đã tạo ra sức hút đối với các nhà đầu tư Trung Quốc . Trung bình lương của công nhân Việt Nam là từ 300-350 USD, chỉ bằng một nửa so với số tiền doanh nghiệp phải trả cho lao động Trung Quốc.
Các công ty nước ngoài cũng mang tới những công nghệ và mô hình quản lý hiện đại, đồng thời giúp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Theo báo cáo, 70% hoạt động này được điều hành vởi các doanh nghiệp ngoại quốc. Họ cũng giúp nâng cao tiêu chuẩn tại các cơ quan và bộ chính phủ.
TP. HCM được các công ty Trung Quốc đánh giá là địa điểm đầu tư sinh lời nhất ở Việt Nam. |
Thương mại điện tử là ngành được ưu tiên. Từ 2016 đến 2018, hai trang mạng thương mại trực tuyến phát triển nhất là Lazada và Tiki đều nhận được nguồn đầu tư lớn từ Trung Quốc. Alibaba Group đã đầu tư 2 tỷ USD vào Lazada và có dự định sẽ đầu tư thêm. Tháng 1 năm 2018, trang JD.com của Trung Quốc xác nhận đầu tư 44 triệu USD vào Tiki.
Trung Quốc đang xem đầu tư vào Việt Nam là cơ hội để hội nhập kinh tế với thế giới. Quốc gia này đang tìm kiếm những nguồn tăng trưởng mới ở nước ngoài thông qua các chương trình như Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Tăng trưởng nhờ ngoại tệ là con dao hai lưỡi
Ngược lại, Việt Nam lại đang nhận được những lợi ích vô hình từ những khoản đầu tư này. FDI Trung Quốc đã mở ra một con đường thuận lợi cho các sản phẩm "Made in Vietnam" vươn tới thế giới. Ngành xuất khẩu cũng giúp thúc đẩy tăng trưởng cách ngành liên quan như khách sạn, dịch vụ du lịch, đổi ngoại tệ và tư vấn.
Nhưng việc dựa vào nguồn ngoại tệ để tăng trưởng kinh tế là một con dao hai lưỡi, gây ra những rủi ro không cần thiết. Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng sự phụ thuộc này là “một nhân tố thiếu bền vững bởi việc sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI phụ thuộc nhiều vào nguồn cung ứng trong khu vực và trên thế giới”.
Cùng với đó là vấn đề ô nhiễm môi trường. Giống như Trung Quốc, Việt Nam đã nhập về một lô rác thải công nghiệp như đồ dệt, giày dép, điện nhiệt và khoáng sản. Năm 2016 Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm gây thiệt hại to lớn tới sinh vật biển vùng biển xung quanh bốn tỉnh miền Trung, dấy lên những lo lắng về tác động đến môi trường từ các dự án FDI của Trung Quốc.
Một ngư dân bước giữa bờ biển đầy những con cá chết ở huyện Quảng Trạch, Quảng Bình. Ảnh: AFP. |
Nhiều doanh nghiệp sử dụng đang sử dụng những công nghệ, máy móc lạc hậu. Do vậy Việt Nam đang tiềm ẩn nguy cơ trở thành “bãi rác công nghệ” của Trung Quốc nếu như không đưa ra lựa ra một cách sáng suốt.
Những cạm bẫy về nguồn vốn
Việc định giá chuyển nhượng cũng là một trong những khó khăn. Nó bao gồm việc các doanh nghiệp nước ngoài khai khống giá trị đầu tư, điều này gây ảnh hưởng tiêu cực tới Việt Nam như là hệ quả của thu nhập chịu thuế, lợi nhuận giảm và cạnh tranh không công bằng.
Đối tác Việt Nam lại không đủ năng lực để đánh giá các công nghệ và thiết bị hiện đại sử dụng bởi công ty nước ngoài, điều này thường dẫn đến xu hướng định giá cao hơn để nâng vốn đầu tư so với giá trị thực tế.
Năm 2014, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ đã tiến hành nghiên cứu cho thấy 20% doanh nghiệp nước ngoài thừa nhận đã định lại giá chuyển nhượng. Nhiều trường hợp vẫn chưa được đưa ra tòa bởi khuôn khổ luật pháp của Việt Nam còn thiếu chặt chẽ và sự tinh vi trong việc che giấu hành vi của các công ty nước ngoài.
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã bị đội vốn lên đến hàng trăm triệu USD. Ảnh: tư liệu |
Nhiều đối tác trong nước cũng vướng vào vòng nợ nần bởi thanh toán lãi suất của các dự án bị chậm tiến độ. Đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông tại Hà Nội đã chứng kiến sự bùng nổ giá lên tới 868 triệu USD – cao hơn 315 triệu USD so với ước tính sau 8 năm bước vào thi công.
Công trình này dự kiến được đưa vào sử dụng tháng 11 năm 2013, vậy nhưng cho tới nay vẫn chưa đi vào hoạt động. Theo như các chuyên gia tính toán, mỗi ngày trì hoãn làm lãng phí khoảng 1,2 tỷ VND trong thanh toán lãi suất.
Bài học nào cho Việt Nam?
Hiện trạng này đòi hỏi một cuộc thay đổi toàn diện. Việt Nam cần tiếp tục nâng cao thủ tục và quy định. Chúng ta có thể rút ra những bài học quý báu từ TP.HCM - điểm đầu tư ưa thích của FDI. Trong năm 2016 và 2017, tổng nguồn đầu tư của thành phố ghi nhận là 10 tỷ USD.
Nhưng cải cách về mặt pháp lý mới là yếu tố chủ chốt giúp Việt Nam tránh khỏi việc trở thành "bãi rác công nghiệp" của các nhà đầu tư.
Theo nhà phân tích, Việt Nam cần soạn thảo luật chống khai khống giá, thu hẹp khoảng cách trong ưu đãi thuế giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, trao quyền nhiều hơn cho các cơ quan thuế địa phương trong giám sát và quản lý.
Một cơ sở dữ liệu về thuế cũng cần được thành lập để quản lý bất kỳ thay đổi nào trong dòng chảy của thu nhập và lợi tức. Đối với những hành vi coi thường pháp luật cần các biện pháp trừng phạt tương ứng như là giảm thời hạn mức giá ưu đãi hay thậm chí tăng thuế.
Bên cạnh đó Việt Nam cần nâng cao chuỗi giá trị bằng cách thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, các doanh nghiệp thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng sạch cũng như sản xuất thiết bị y tế và dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại.