Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Việt Nam đầu thế kỷ 20 qua cái nhìn của lữ khách Pháp

Không chỉ là một tác phẩm du ký, cuốn sách cho chúng ta những trang tư liệu quý về một thời kỳ đầy biến động, với cái nhìn công tâm, không bị ảnh hưởng bởi chính trị.

Vừa qua, tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace đã diễn ra buổi tọa đàm “Việt Nam đầu thế kỷ qua mắt nhìn của các nhà du ký Pháp”, nhân dịp chuẩn bị ra mắt tuyển tập du kí Nhà đoan, thuế muối, rượu cồn. Buổi tọa đàm có sự tham gia của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, nhà phê bình Mai Anh Tuấn và nhà báo Kiều Mai Sơn.

Nhà đoan, thuế muối, rượu cồn gồm hơn 23 bài viết của bốn nhà văn, nhà báo, nhà sử học người Pháp đầu thế kỉ 20 là: Louis Roubaud, Roland Dorgelès, León Werth và Michel Đức Chaigneau. Đặc biệt Michel Đức Chaigneau là người mang hai dòng máu Pháp - Việt, mẹ ông là người Việt Nam, tác giả có một thời gian khá dài sinh trưởng ở Huế trước khi về Pháp. Ba tác giả còn lại đều đã đến Việt Nam trong giai đoạn 1922 - 1930, những bài viết của họ dựa trên những cảm nhận và trải nghiệm cá nhân về Việt Nam.

Để mở đầu buổi tọa đàm, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã nói về quá trình hình thành và phát triển của dòng văn học du ký của tác giả nước ngoài viết về Việt Nam. Theo ông, từ thời nhà Đường Trung Quốc, các vị tăng ni đến truyền bá đạo Phật đã có những ghi chép ban đầu về đất nước chúng ta. Còn đối với những ghi chép của các tác giả phương Tây, đầu tiên phải kể đến các nhà buôn Bồ Đào Nha từ thế kỉ 16.

Nha doan,  thue muoi,  ruou con anh 1
Các diễn giả trong buổi tọa đàm. Ảnh: Quỳnh Anh

Do quá trình xâm lược và khai thác thuộc địa, người Pháp đến Việt Nam rất nhiều. Số lượng những ghi chép về Việt Nam của họ để lại cũng đáng kể. Riêng với bốn tác giả của cuốn sách, do họ đến nước ta không phải vì mục đích chính trị nên họ có một cái nhìn công tâm về cả hai phía trong bối cảnh đầy biến động. Nhà đoan, thuế muối, rượu cồn, một bài viết được lấy làm tên của tập sách, cho bạn đọc thấy điều đó.

Nhà đoan là cách gọi của các cơ quan thu thuế. Tác giả đã nhận thấy được chế độ thuế khóa nặng nề của chính quyền thực dân. Bên cạnh đó còn là sự thắt chặt quản lý, buôn bán muối, đặc biệt với các vùng miền núi.Chính quyền thục dân không cho người dân được nấu rượu, thực chất là để độc quyền rượu, và bắt người dân mua rượu đó.

Nhà báo Kiều Mai Sơn chia sẻ những cảm nhận về nét hiện đại trong văn phong của bốn tác giả kể trên. Theo anh: “Nền văn học trung đạiViệt Nam cũng đã có những tác phẩm du ký mà tiêu biểu là Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác và Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ. Nhưng các nhà Nho thời bấy giờ bị ảnh hưởng nặng nề bởi lối văn biền ngẫu. Còn văn phong của các tác giả người Pháp khá nhanh, hiện đại, câu từ có nhiều đổi mới. Không chỉ dừng lại ở việc kể, họ đưa ra nhiều quan điểm cá nhân”.

Nha doan,  thue muoi,  ruou con anh 2
Nhà đoan, thuế muối, rượu cồn tái hiện một cách thú vị đất nước Việt Nam đầu thế kỷ 20 qua cái nhìn của những người Pháp.

Còn đối với nhà phê bình Mai Anh Tuấn, anh cho rằng cuốn sách này không chỉ dừng lại với vai trò một tác phẩm văn học. Nó còn là một tài liệu về lịch sử, dân tộc học và dư địa chí. Các nghiên cứu về lịch sử thể kỉ 18-19 đều có sự tham chiếu từ các cuốn sách du kí của các tác giả nước ngoài. Anh chia sẻ: “Tôi cảm thấy sự trân trọng, yêu quý thiên nhiên, đất nước con người Việt Nam của các nhà văn, nhà báo Pháp. Họ không hề có sự phân biệt, hay cái nhìn phiến diện kiểu như cách mà một đât nước văn minh vẫn nhìn và đánh giá về các nước thuộc địa còn nghèo đói, lạc hậu".

Nhà phê bình cũng chia sẻ thêm: “Nhiều đoạn, các tác giả miêu tả rất hay về thiên nhiên, đất nước ta, văn phong đẹp, lãng mạn và sống động như một bài thơ. Họ viết về vùng đất mà mình đến, bởi họ có một khát khao muốn tìm hiểu, trình bày hiểu biết của mình. Những trang văn du ký của những tác giả đã từng đến Việt Nam, cho người dân Pháp một cái nhìn cụ thể và chính xác về xứ thuộc địa, khác với những gì mà chính quyền Pháp cung cấp lúc bấy giờ”.

Nhà đoan, thuế muối, rượu cồn được dịch giả kỳ cựu Lê Trọng Sâm chuyển ngữ và tuyển chọn. Theo kế hoạch cuốn sách đã được phát hành cùng dịp với buổi tọa đàm nhưng do muốn có một bản sách chất lượng nhất, dịch giả và đơn vị xuất bản quyết định lùi thêm thời gian sách ra mắt độc giả.




Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm