Ngày 3/10, từ Thung lũng Silicon (Mỹ), tác giả Maciej Kranz có mặt tại TP.HCM giới thiệu cuốn sách Thiết lập Internet Vạn Vật trong doanh nghiệp với độc giả Việt Nam. Cuốn sách được xem là cẩm nang cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong thời đại 4.0.
Thông qua cuốn sách này, tác giả đã mang đến những giải pháp Internet Vạn Vật (IoT - Internet of Things), đưa những ý tưởng to lớn về IoT trở thành những vấn đề hết sức thực tế, đồng thời chỉ ra cách giúp các doanh nghiệp triển khai IoT, tạo ra lợi nhuận và hiệu quả trong xu hướng công nghệ có tầm ảnh hưởng lớn như hiện nay.
Nhân dịp này, Zing.vn có cuộc trò chuyện với tác giả Maciej Kranz.
Công nghệ giải quyết được các vấn đề trong cuộc sống
- Điều gì thôi thúc ông bắt tay vào thực hiện cuốn sách “Thiết lập Internet Vạn Vật trong doanh nghiệp”?
- Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc viết sách, cho đến cách đây hai năm, có nhiều khách hàng hỏi làm thế nào để ứng dụng IoT vào doanh nghiệp của họ. Trên thị trường cũng không có nhiều cuốn sách viết chuyên sâu về IoT. Bởi vậy tôi quyết định viết cuốn sách này, mang đến những thông tin chuyên sâu từ những người trong cuộc.
Tác giả Maciej Kranz . |
Mục tiêu chính của cuốn sách này là giúp tất cả các doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ trên thế giới, ở bất kỳ ngành nghề nào cũng có thể bắt đầu khởi động cho hành trình ứng dụng IoT. Cần phải có một cuốn sách mang tính chất hướng dẫn, thực tế từng bước để cho họ ứng dụng.
- Được xem là một trong những nhà tiên phong trong lĩnh vực IoT, ông mất bao lâu để thực hiện cuốn sách này?
- Khó khăn lớn nhất với tôi là về thời gian. Hiện tại công việc chính của tôi vẫn là ở Cisco, tôi chỉ dành mỗi sáng chủ nhật để viết sách. Vậy nên phải đến hai năm tôi mới viết xong cuốn sách này.
Kiến thức, nội dung của cuốn sách không có gì khó khăn vì đó là công việc mà tôi đang làm, cái khó là tiến trình thực hiện vì tôi bận rất nhiều công việc ở công ty, phải liên tục trả lời thắc mắc của khách hàng các vấn đề về công nghệ khiến thời gian bị kéo dài.
- Ông có thể cho biết tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ trong đời sống hiện nay?
- Thực chất chỉ có công nghệ mới giải quyết được các vấn đề với hiệu ứng nhanh nhất, tiết kiệm chi phí nhất và tạo tác động lớn nhất không chỉ cho kinh doanh mà còn về xã hội. Hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể ứng dụng công nghệ vào tất cả các lĩnh vực, vì đây là kỷ nguyên công nghệ. Đó là điều chắc chắn.
- Với việc vận dụng IoT, doanh nghiệp của ông đã có những thay đổi như thế nào?
- Trong chính Cisco cũng đã áp dụng IoT, cụ thể ở đây là những nhà máy sản xuất những thiết bị kết nối mạng, sử dụng 1500 bộ cảm biến để đo về sử dụng năng lượng. Khi sử dụng IoT, với bộ cảm biến này sẽ giúp tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm được khoảng 20% năng lượng và tương đương với 1 triệu USD mỗi năm. Sau khi sử dụng ở nhà máy này, sẽ tiếp tục được sử dụng ở các nhà máy khác trên toàn thế giới để đặt mục tiêu tiết kiệm năng lượng lên 30%. Đó là ứng dụng cụ thể ngay tại Cisco.
Ứng dụng công nghệ để tạo nên sự đột phá và khác biệt
- Trong cuốn sách của mình, ông có đề cập đến việc ứng dụng IoT để xây dựng những thành phố thông minh. Xin ông nói rõ hơn về vấn đề này và liệu Việt Nam có thể ứng dụng nền tảng này để tạo nên những thành phố thông minh hay không?
- Việc xây dựng thành phố thông minh trên thế giới tùy thuộc vào khả năng và điều kiện của từng thành phố. Mỗi thành phố có những điều kiện khác nhau về giao thông vận tải, các dịch vụ đô thị, nước, thiên nhiên, chính phủ…
Nhưng có 3 yếu tốt cốt lõi mà thành phố nào cũng cần là chỗ đậu xe, hệ thống đèn giao thông và bãi rác. Đó là 3 yếu tố mà IoT có thể ứng dụng ngay tức khắc và nó sẽ giúp gia tăng hiệu quả rất lớn. Và đặc biệt, lợi nhuận thu lại từ việc đầu tư này rất rõ và rất cao khi ứng dụng IoT vào 3 yêu tố trên, có thể tiết kiệm được 20-30% nguồn năng lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng.
Tôi nghĩ hoàn toàn có thể khả thi khi áp dụng cho Việt Nam với các thành phố như TP.HCM, Hà Nội… vì ở đây mọi thứ còn quá thiếu. IoT hoàn toàn có thể sử dụng tùy vào sự sẵn sàng của chính phủ và những doanh nghiệp có thể ứng dụng. Hiện nay, có rất nhiều công nghệ cũng như giải pháp để có thể lựa chọn. Các thành phố ở Việt Nam hay các nước đang phát triển hoàn toàn có thể ứng dụng.
Sách Thiết lập Internet Vạn Vật trong doanh nghiệp . |
- Tại sao ông cho rằng IoT là “cơ hội mang lại cuộc cách mạng cho nền công nghiệp”?
- Tôi thấy nó đã diễn ra rồi. Những doanh nghiệp đang ứng dụng hoàn toàn có thể tạo nên cuộc cách mạng cho lĩnh vực của họ. Điều quan trọng ở đây là các doanh nghiệp có dám chấp nhận bắt đầu hành động hay không. Họ phải tìm hiểu rất rõ để xem nó phù hợp với mình như thế nào, mình có thể làm gì. Bất cứ lĩnh vực nào nếu ứng dụng IoT hoặc ứng dụng công nghệ nói chung thì đó là cách duy nhất để tạo nên sự đột phá và khác biệt.
- Với những quốc gia mà nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế như Việt Nam, việc vận dụng IoT là một thách thức hay cơ hội?
- Thực chất, nông nghiệp là lĩnh vực dẫn đầu trên thế giới về ứng dụng IoT. Những trang trại trồng trái cây, chăn nuôi v.v… họ có thể sử dụng IoT để nâng cao hiệu quả sử dụng nước tưới, cũng như trong nông nghiệp điều quan trọng nhất là giảm được lao động thủ công để tặng hiệu quả lao động. Tôi nghĩ nó vừa là cơ hội vừa là thách thức. Cơ hội thì rõ ràng chúng ta đã thấy còn thách thức ở đây là chúng ta có sẵn sàng cho nó hay không, chúng ta chuẩn bị cho nó như thế nào, người nông dân, các doanh nghiệp sẽ phải thực thi nó ra sao.
- Thưa ông, mỗi quốc gia sẽ có một đặc thù riêng về cơ chế, cách vận hành cũng như tính cách con người... Như vậy, liệu cuốn sách của ông có thể áp dụng chung cho các quốc gia không? Ông có điều gì cần lưu ý với họ?
- Đó là vấn đề mà tôi cũng có lưu ý tới. Mỗi đất nước có một vấn đề khác nhau, tuy nhiên trong cuốn sách này, tôi cố gắng đề cập đến những vấn đề phổ biến mà bất kì nước nào hay doanh nghiệp nào cũng có thể gặp phải. Khi áp dụng cuốn sách này hay các cuốn sách khác, tất nhiên, mình cũng phải học hỏi các trường hợp trên thế giới nhưng cũng không nên học hỏi một cách máy móc.
Vẫn phải học hỏi nhưng đồng thời, đối với từng quốc gia cụ thể thì cần phải rút ra cái gì là phù hợp và quan trọng nhất. Quyển sách này chỉ là những quy tắc chung, khi ứng dụng từng thị trường và từng lĩnh vực, phải có sự thấu hiểu lĩnh vực của mình.
- Ông đã có những hiểu biết như thế nào về Việt Nam? Ông có dự đoán gì về cơ hội và tương lai của IoT ở Việt Nam?
- Việt Nam có những yếu tố như dân số trẻ, nền kinh tế đang tăng trưởng và khát khao khởi nghiệp. Với những yếu tố đó, tôi tin là cơ hội rất lớn. Các bạn có thể có những bước nhảy vọt vì các bạn đang ở giai đoạn bắt đầu, mọi thứ đang hoàn toàn mới, không bị những vấn đề cũ chi phối. Với nguồn nhân lực ở đây, với sự khát khao, đam mê công nghệ, với khả năng của các bạn thì cơ hội rất lớn để thành công.
Tác giả Maciej Kranz hiện là Phó chủ tịch, Phụ trách Nhóm giải pháp Đổi mới Chiến lược Sáng tạo tại Cisco với hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển mạng lưới. Ông lãnh đạo tập đoàn tập trung vào những doanh nghiệp mới, gia tăng tốc độ cải tiến nội bộ, thông qua một mạng lưới toàn cầu của Trung tâm Cải tiến Cisco.
Trước khi đến Cisco, Kranz đảm nhiệm các vị trí quản lý khác nhau tại 3Com Corporation, nơi ông điều hành một dây chuyền sản xuất Giao diện mạng Ethernet (NIC) trị giá 1 tỉ USD. Ông sống tại Thung lũng Silicon.