Kết thúc phiên họp toàn thể lần thứ 89 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 73, Chủ tịch Đại hội đồng Maria Fernanda Espinosa Garces thông báo Việt Nam đã đắc cử ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 với kết quả 192 phiếu ủng hộ, trên tổng số 193 phiếu.
Việt Nam lần đầu tiên được tín nhiệm làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an là vào nhiệm kỳ 2008-2009. Sau 10 năm, Việt Nam lại bước đến cuộc bỏ phiếu ngày 7/6 tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York với vị thế là ứng viên duy nhất từ nhóm các nước châu Á - Thái Bình Dương.
Phiên bỏ phiếu diễn ra vào lúc 10h ngày 7/6 (giờ địa phương) tại New York. Cả khán phòng Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vỗ tay chúc mừng Việt Nam.
Đại diện phái đoàn Việt Nam ăn mừng lúc kết quả bỏ phiếu được công bố. |
Ngoài Việt Nam, ba nước khác được bầu vào ghế ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngay sau vòng bỏ phiếu đầu tiên là Niger và Tunisia của nhóm khu vực châu Phi với cùng số phiếu 191/193, đảo quốc Saint Vincent và Grenadines được 185/193 phiếu.
Đây là lần đầu tiên Saint Vincent và Grenadines trở thành đại diện cho khu vực Mỹ Latin - Caribbean đắc cử vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Khu vực Đông Âu không bầu ra được ủy viên mới nên phải tiến hành vòng bỏ phiếu đặc biệt thứ hai. Estonia đắc cử vị trí này ở khu vực Đông Âu với 132/192 phiếu hợp lệ.
Nhiệm kỳ của các nước vừa đắc cử sẽ bắt đầu vào ngày 1/1/2020
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với Thông tấn xã Việt Nam, Đại sứ Đặng Đình Quý, trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, cho biết đã nhiều nước thể hiện sự ủng hộ bằng văn bản. Liên Hợp Quốc có 193 thành viên, trong khi ghế ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an được bầu theo đa số hai phần ba, vì vậy khả năng giành được ghế của Việt Nam từ trước cuộc bỏ phiếu đã được đánh giá là rất cao.
Ủy ban tổ chức bầu cử chờ các nước thành viên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bỏ phiếu bầu thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021. |
Hội đồng Bảo an được xem là cơ quan quan trọng nhất trong hoạt động của Liên Hợp Quốc, với vai trò giải quyết các xung đột và khủng hoảng có thể tạo thành mối đe dọa với hòa bình, an ninh quốc tế. Việc Việt Nam được chọn làm ứng viên duy nhất đại diện 54 nước châu Á - Thái Bình Dương lần này cho thấy các nước đánh giá cao vai trò và năng lực của Việt Nam.
Nhiều học giả quốc tế nhìn nhận Việt Nam thu hút sự ủng hộ vì không chủ trương tập trung vào các vấn đề nội bộ như đa phần các nước tại Đông Nam Á mà còn có quan tâm đến các vấn đề bên ngoài khu vực. Tầm quan trọng của Việt Nam được nhiều chuyên gia đánh giá là đã gia tăng đáng kể tính từ hội nghị cấp cao APEC ở Đà Nẵng vào cuối năm 2017.
Với tư cách ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an, Việt Nam muốn thể hiện tiếng nói ngày càng có trọng lượng của mình tại ASEAN, thúc đẩy ngoại giao mềm và nhấn mạnh rằng Việt Nam kiên trì theo đuổi con đường hội nhập quốc tế. Không những thế, nhiệm kỳ này còn trùng với giai đoạn Việt Nam giữ ghế chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2020 nên càng mang nhiều ý nghĩa to lớn đối với vị thế của đất nước trong khu vực và quốc tế.
Các chuyên gia quốc tế dự đoán việc Việt Nam cùng lúc đảm nhận 2 vai trò sẽ mở ra cơ hội khuếch đại tiếng nói của các nước ASEAN trên diễn đàn quốc tế.
Phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết sau khi có kết quả bầu chọn ngày 7/6, lãnh đạo Việt Nam sẽ có thông điệp về các ưu tiên của Việt Nam trong nhiệm kỳ ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres bên lề cuộc họp của Đại hội đồng tháng 9/2018. Ảnh: AFP. |
Bà Hằng cũng nhấn mạnh Việt Nam "đã tích cực triển khai các công tác chuẩn bị mọi mặt... tham vấn, trao đổi kinh nghiệm với các nước, các cơ quan của Liên Hợp Quốc và các tổ chức nghiên cứu quốc tế" cho cuộc bầu chọn lần này.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gồm 15 thành viên, trong đó có 5 thành viên thường trực (Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc) và 10 thành viên không thường trực. Các ủy viên không thường trực do các nước thành viên Liên Hợp Quốc đề cử và bầu chọn với nhiệm kỳ kéo dài hai năm.
Mọi thành viên của Liên Hợp Quốc phải chấp nhận và thi hành các nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Trong khi các cơ quan khác của Liên Hợp Quốc chỉ có thể "đưa ra đề xuất", chỉ riêng Hội đồng Bảo an có quyền đưa ra các quyết định bắt buộc thành viên phải thi hành, như việc ra nghị quyết trừng phạt Triều Tiên vì chương trình hạt nhân và tên lửa nhiều rủi ro của nước này.