"Cuốn sách gồm 4 chương, trong đó nêu rõ quan điểm, chính sách và luật pháp của Nhà nước Việt Nam về quyền con người cũng như thành tựu của Việt Nam trong thực hiện các quyền thuộc nhóm quyền dân sự - chính trị, nhóm quyền kinh tế - văn hóa - xã hội, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết.
Bên cạnh đó, cuốn sách cũng nêu rõ các thách thức cần vượt qua và định hướng ưu tiên nhằm thúc đẩy việc thụ hưởng ngày càng tốt hơn quyền con người ở Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Nhân quyền là giá trị chung của nhân loại, dù có một số khác biệt trong cách tiếp cận và ưu tiên về quyền con người xuất phát từ những khác biệt về lịch sử, văn hóa, thể chế chính trị và trình độ phát triển. Trên tinh thần hợp tác, xây dựng và tôn trọng lẫn nhau, Việt Nam tiếp tục duy trì các cơ chế đối thoại về quyền con người với một số nước đối tác nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm và mở ra những cơ hội hợp tác song phương trong lĩnh vực quyền con người.
Năm 2005, Bộ Ngoại giao đã công bố cuốn sách Thành tựu bảo vệ và phát triển quyền con người ở Việt Nam. Từ đó đến nay, Việt Nam chứng kiến những thành tựu hết sức quan trọng trong công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, đặc biệt là việc thông qua Hiến pháp 2013 và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người.
Bên cạnh đó, Việt Nam duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định, tăng cường mức sống của người dân, giảm mạnh tỉ lệ nghèo, thúc đẩy bình đẳng xã hội, góp phẩn bảo đảm thụ hưởng các quyền kinh tế xã hội, cũng như thực hiện quyền con người trong nhiều lĩnh vực khác.
Việt Nam cũng nghiêm túc thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người, và ngày càng chủ động, tích cực đóng góp tại các diễn đàn về quyền con người trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc, ASEAN và nhiều cơ chế khác.