Tạp chí danh tiếng của Mỹ Forbes mới đây đã công bố danh sách tỷ phú USD thế giới năm 2019, với những doanh nhân trên toàn thế giới sở hữu khối tài sản trên 1 tỷ USD trong danh sách.
Trong đó, Việt Nam năm nay có 5 đại diện sở hữu khối tài sản trên 1 tỷ USD.
Ngoài 3 cái tên đã có trong danh sách từ năm 2018 gồm ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch HĐQT Vingroup), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Tổng giám đốc Vietjet) và ông Trần Bá Dương (Chủ tịch HĐQT Thaco), danh sách năm nay Việt Nam còn có thêm 2 đại diện là ông Hồ Hùng Anh (Chủ tịch HĐQT Techcombank) và Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Masan).
Theo đó, ông Phạm Nhật Vượng tiếp tục là tỷ phú giàu nhất Việt Nam với khối tài sản lên tới 6,6 tỷ USD (xếp thứ 239 thế giới), tăng 2,3 tỷ USD so với năm trước.
Các tỷ phú Việt xếp sau lần lượt là bà Nguyễn Thị Phương Thảo với 2,3 tỷ USD (vị trí 1.008); ông Trần Bá Dương và gia đình sở hữu 1,7 tỷ USD (1.349); ông Hồ Hùng Anh với tài sản trị giá 1,7 tỷ USD (1.349); và cuối cùng là ông Nguyễn Đăng Quang với 1,3 tỷ USD (1.717).
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát là tỷ phú USD thứ 6 của Việt Nam theo thống kê của Forbes. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tuy danh sách tỷ phú 2019 của Forbes chỉ đưa ra 5 cái tên doanh nhân Việt sở hữu khối tài sản tỷ USD nhưng nếu tính tài sản hiện tại con số bên phía Việt Nam là 6 người.
Cụ thể, theo danh sách tỷ phú cập nhật trực tuyến (real time) của tạp chí này, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát, cũng đang sở hữu khối tài sản 1 tỷ USD và xếp thứ 1.756 trên thế giới.
Nguyên nhân khiến ông Long dù sở hữu hơn 1 tỷ USD nhưng không có tên trong danh sách năm 2019 là do thời điểm tính toán tài sản để chốt danh sách của Tạp chí Forbes.
Cụ thể, Forbes thường tổng hợp số liệu về tài sản của các đại gia, doanh nhân trên thế giới từ cuối năm trước và công bố vào đầu tháng 3 hàng năm. Năm nay, tạp chí này cho biết phương pháp được lựa chọn để đánh giá quy mô tài sản của một cá nhân là dựa vào giá cổ phiếu và tỷ giá hối đoái tại ngày 8/2.
Tạp chí này cũng từng cho biết trong phương pháp tính toán của mình, ngoài các tài sản như bất động sản sở hữu, tiền mặt, các khoản đầu tư có giá trị, thống kê của họ cũng tính tới giá trị cổ phiếu của các tỷ phú trên sàn chứng khoán. Đây cũng là lý do khiến khối tài sản của các tỷ phú không ngừng biến động qua từng ngày.
Vào thời điểm chốt danh sách tài sản tỷ phú năm 2019 ngày 8/2, đây lại trùng với thời điểm thị trường Việt Nam đang nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, nên giá cổ phiếu của các doanh nhân Việt được tính toán vào ngày 1/2.
Đây cũng là thời điểm giá cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát đang giao dịch với giá 27.300 đồng/cổ phiếu, vùng giá thấp nhất một năm gần đây. Mức giá này cũng đã giảm hơn 40% so với đầu năm 2018, thời điểm ông Long có tên trong danh sách tỷ phú của Forbes, khiến khối tài sản của ông Long giảm xuống dưới 1 tỷ USD vào không có tên trong danh sách chốt ngày 8/2 của Forbes.
Tuy nhiên, khi thị trường giao dịch trở lại, cổ phiếu HPG đã tăng gần 30% thị giá giúp ông Long trở lại với danh sách tỷ phú thế giới với khối tài sản trên 1 tỷ USD.
Thực tế, nhờ việc thị trường chứng khoán Việt phục hồi khá mạnh sau đợt nghỉ Tết kéo dài 9 ngày, ông Phạm Nhật Vượng cũng đã gia tăng rất mạnh khối tài sản mà mình sở hữu hiện tại.
Cụ thể, theo danh sách tỷ phú Real time của Forbes, ông Phạm Nhật Vượng hiện sở hữu khối tài sản ròng lên tới 7,8 tỷ USD, cao hơn 1,2 tỷ USD so với thời điểm chốt danh sách vào tháng 2.