Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Việt Nam có thể đón thêm bão trong tháng 8

Sau bão số 3 - Wipha, chuyên gia khí tượng cho biết trong tháng 8 còn ít nhất một cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng tới đất liền.

Bão Wipha đổ bộ vào Quảng Ninh đêm 3/8 và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, di chuyển xuống phía nam đồng bằng Bắc Bộ. Đây là cơn bão số 3 trong năm 2019, sau bão Mun đổ bộ đầu tháng 7. 

Dọc theo đường đi của bão số 3, mưa lớn tập trung đầu tiên ở khu vực Đông Bắc, sau đó mở rộng xuống đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa, rồi xuống Nghệ An. Mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày đã gây lũ quét, sạt lở, ngập úng tại nhiều địa phương.

“Sau hoàn lưu suy yếu từ cơn bão, mưa còn mở rộng ra vùng Tây Bắc, Việt Bắc, tiếp diễn ở Thanh Hóa, Nghệ An đến hết ngày 6/8 mới chấm dứt”, ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Khí tượng (Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) cho biết.

Về xu hướng thời tiết trong tháng 8, ông Năng nhận định miền Bắc đang trong cao điểm mùa mưa bão. Từ nay đến cuối tháng, áp thấp hoặc áp thấp nhiệt đới có thể tiếp tục hình thành trên khu vực Biển Đông và khả năng mạnh lên thành bão. Trong số đó, ít nhất một cơn sẽ ảnh hưởng đến đất liền nước ta.

bao so 3 anh 1
Ảnh hưởng của bão số 3 gây lũ quét, sạt lở đất, thiệt hại nặng nề tại khu vực miền núi Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Dương. 

Nhận định thêm về thời tiết tại Thanh Hóa, nơi đang hứng chịu nhiều thiệt hại về thiên tai do bão số 3 gây ra, chuyên gia khí tượng cho biết ngày 4/8, lũ trên sông Mã đã lên mức báo động 3 và đang giảm dần. Trong các ngày 5-6/8, khu vực này tiếp tục mưa lớn, sau đó giảm dần rồi chấm dứt. 

Cùng với sự mở rộng của mưa lớn về phía Tây Bắc và Việt Bắc, người dân các tỉnh miền núi phía Bắc cần đề phòng hiện tượng lũ quét và sạt lở đất, đặc biệt là các tỉnh Sơn La, Lạng Sơn, Lai Châu, Điện Biên.

Trên đất liền, cơ quan khí tượng cảnh báo Bắc Bộ và Trung Bộ còn hứng chịu 3-4 đợt mưa lớn diện rộng trong tháng 8.

"Khu vực này đang trong cao điểm mùa mưa bão, tình hình thời tiết địa phương sẽ được dự báo sớm để người dân nắm bắt thông tin", ông Năng cho biết.

Trước đó, hoàn lưu bão số 3 đã gây mưa lớn cho khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, gây nhiều thiệt hại cho các địa phương. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mưa lớn gây ra lũ quét, sạt lở khiến 5 người chết, 13 người mất tích, 47 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 50 nhà thiệt hại rất nặng và 187 nhà thiệt hại một phần.

Thanh Hóa là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất trong đợt mưa lũ vừa qua. Hiện, khu vực miền núi của tỉnh còn 3 xã và 2 bản làng bị cô lập.

'Trong 10 phút, lũ cuốn trôi hết cả bản làng' "Nó đi rất nhanh, tầm 10 phút thôi, cuốn trôi hết cả làng. Không thấy gì nữa cả, chỉ toàn là gỗ thôi", người dân Sa Ná kể thời khắc kinh hoàng.

Dân bản thất thần sau lũ dữ: 'Nó cuốn mọi thứ như sóng thần'

“Nó kéo đến như một cơn sóng thần. Tôi chỉ kịp bế con trai nhỏ 4 tuổi rồi hô hào đứa con lớn và chồng tháo chạy lên núi”, người phụ nữ ở bản Sa Ná nhớ lại.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm