Sáng 17/1, trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2019, các đại biểu thảo luận chuyên đề "Chủ động ứng phó với Biến đổi khí hậu - Củng cố an ninh năng lượng đảm bảo phát triển bền vững".
Chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu
Phát biểu khai mạc hội thảo, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Đến cuối thế kỷ XXI, sẽ có 40% diện tích vùng Đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích vùng Đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các địa phương ven biển khác bị ngập nước. Khi đó sẽ có 10-12% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất 10% GDP.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình. Ảnh: Việt Hùng. |
Đến nay, 11/13 tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long đã phải công bố tình trạng thiên tai, do xuất hiện hạn mặn chưa từng có trong vòng 100 năm qua. Nhận thức được các nguy cơ và thách thức của biến đổi khí hậu, Việt Nam đang chủ động xây dựng, ban hành nhiều chính sách nhằm ứng phó.
Việt Nam có lợi thế về năng lượng sạch
Ông John Kerry, Cựu ngoại trưởng Mỹ, Chủ tịch danh dự Quỹ hòa bình quốc tế Carnegie, giới thiệu là người có 30 năm nghiên cứu về biến đổi khí hậu. Tại hội thảo, ông khẳng định biến đổi khí hậu không còn là điều mơ hồ nữa mà đang hiện hữu và diễn ra ngày càng nhanh hơn, đe dọa đời sống của tất cả người dân trên thế giới. "Chúng ta đã có những người tị nạn trên thế giới do biến đổi khí hậu", ông dẫn chứng.
"Sau 30 năm nghiên cứu về biến đổi khí hậu, tôi nhận thấy nếu chỉ có Mỹ hay Trung Quốc giảm phát thải về 0 thì cũng không thể tạo sự thay đổi đáng kể. Nhu cầu về than của Đông Nam Á vẫn đang tăng và sẽ tăng cao nhất so với thế giới. Chúng ta đang khai thác than rất lớn, đây là yếu tố tác động lớn nhất đến phát thải khí nhà kính. Kể cả áp dụng công nghệ mới với than thì đó vẫn là nhiên liệu hóa thạch bẩn nhất và gây phát thải khí nhà kính chính lớn nhất", cựu Ngoại trưởng Mỹ chia sẻ.
Ông John Kerry phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Việt Hùng. |
Ông Kerry nhận định thách thức của mỗi quốc gia là khác nhau, nhưng đều có điểm chung là nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao. "Trong vòng 5 năm qua Việt Nam có mức sử dụng tại than tăng 75%. Tôi đã nói chuyện với ông Nguyễn Văn Bình và nhận được sự đồng thuận phải giảm tỷ lệ này", ông John Kerry thông tin.
Tại Mỹ, 75% nguồn điện được đưa vào điện lưới thời gian qua là điện mặt trời. Điện than chỉ còn chiếm 0,2%. Mỹ không còn nghĩ tới việc xây dựng những nhà máy điện than nữa. Ngày nay gió, thủy điện, điện mặt trời, khí tự nhiên... kể cả điện hạt nhân đang được xây dựng để giải quyết vấn đề phát thải.
Ông Kerry dẫn chứng từ năm 2008 ô nhiễm ở Việt Nam đã tăng rất nhiều lần. Trong năm 2017 có 5 nguyên nhân dẫn đến tử vong lớn nhất ở Việt Nam thì 2 trong số đó liên quan ô nhiễm không khí, môi trường.
"Chúng ta đã có những giải pháp, chỉ chưa có những cam kết chính trị. Giải pháp là chính sách về năng lượng và chính sách để giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu", Cựu ngoại trưởng Mỹ nói.
Hiện tổng sản lượng điện của Liên minh châu Âu có 30% là năng lượng tái tạo
Ông Bruno Angelet, Đại sứ trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam
Theo ông, Việt Nam đang có lợi thế rất lớn về năng lượng sạch. Thủy điện mới khai thác được 31%, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, khí thiên nhiên đều có tiềm năng phát triển lớn. Vấn đề là phải cân bằng, kết hợp các nguồn năng lượng như thế nào.
"Tại sao chúng ta không áp dụng cơ chế hỗ trợ giá điện được sản xuất từ năng lượng sạch? Tại sao không gọi vốn để đầu tư năng lượng sạch? Tại sao không đầu tư vào hệ thống truyền tải điện có sự tham gia của các công ty tư nhân? Tại sao không tối ưu hóa việc sử dụng điện mặt trời trên mái?", ông Kerry đặt ra nhiều vấn đề.
Kết lại bài phát biểu, ông khẳng định: "Chúng ta không cần thiết phải là 'tù nhân' phụ thuộc vào năng lượng than. Phụ thuộc than là quyết định tương lai không tươi sáng, chúng ta cần hướng đến nguồn năng lượng tái tạo bền vững, chung tay thúc đẩy quá trình này càng nhanh càng tốt".
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức thu hút gần 2.000 đại biểu trong nước, quốc tế. Ảnh: Thành Trung. |
Trong buổi chiều cùng ngày 17/1, diễn đàn sẽ có phiên Đối thoại chính sách cấp cao xoay quanh vấn đề "Kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019: Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững" với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều lãnh đạo bộ, ngành.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương chủ trì nhằm tạo diễn đàn quốc tế, tập hợp trí tuệ của cộng đồng các chuyên gia trong và ngoài nước trong việc hoạch định chiến lược phát triển đất nước.
Sự kiện thường niên này là sáng kiến của Ban Kinh tế Trung ương. Ở lần thứ 3 diễn ra năm nay, có gần 2.000 đại biểu tham dự - quy mô lớn nhất từ trước tới nay.