Nghị định do Phó thủ tướng Phạm Bình Minh ký ban hành đã liệt kê rõ cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT gồm 18 cục, vụ, đơn vị chức năng và 5 đơn vị hành chính sự nghiệp.
Trong đó, việc Tổng cục Đường bộ bị xóa bỏ, thay thế bằng Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường cao tốc Việt Nam là điểm mới đáng chú ý.
Từ nay đến năm 2025, cả nước dự kiến có thêm 2.000 km đường cao tốc. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Theo tờ trình dự thảo chức năng, quyền hạn của 2 cục nêu trên, Cục Đường cao tốc Việt Nam được xác định là tổ chức trực thuộc Bộ GTVT thực hiện chức năng tham mưu, quản lý đầu tư, xây dựng và khai thác các dự án đường bộ cao tốc thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ GTVT.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Cục Đường cao tốc Việt Nam được xây dựng theo hướng tách biệt, tập trung nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT liên quan đến quản lý đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc.
Trong tương lai, Cục Đường cao tốc có thể khai thác (tổ chức thu phí) một số tuyến đường cao tốc xây dựng bằng hình thức đầu tư công; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật...
Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam có khối tham mưu 5 phòng là Tổ chức - Hành chính; Pháp chế - Thanh tra - An toàn; Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc; Kế hoạch - Tài chính và Quản lý đầu tư xây dựng.
Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Cục Đường cao tốc là Trung tâm Kỹ thuật và điều hành giao thông đường cao tốc.
Đến tháng 8/2022, cả nước có 209 km đường cao tốc do Nhà nước đầu tư; 245 km cao tốc theo hình thức BOT và khoảng 773 km do địa phương và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư. Từ nay đến năm 2025, cả nước phấn đấu đưa thêm 2.000 km đường cao tốc vào khai thác.