Phương án xử lý trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài vốn gây nhiều tranh cãi, được Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Nguyễn Văn Huyện chia sẻ với báo chí sáng 16/6.
Ông Huyện cho biết ngày 15/6, Tổng cục đã trình lên Bộ GTVT phương án đàm phán với nhà đầu tư để di dời trạm về Vĩnh Yên hoặc dùng ngân sách Nhà nước để mua lại.
Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài. Ảnh: Việt Linh. |
Nhắc lại bối cảnh lịch sử khiến trạm thu phí đặt sai vị trí, ông Huyện cho biết giai đoạn năm 2009-2010, Chính phủ cho phép "tất cả trạm thu phí thu hoàn vốn cho ngân sách Nhà nước thì đặt đâu cũng được", miễn là thu vào ngân sách, lấy tiền đó bảo trì và trả vốn cho nhà đầu tư.
"Bộ GTVT đã định dời trạm nhưng văn bản của Chính phủ lại không cho di dời", lãnh đạo Tổng cục Đường bộ chia sẻ.
Đến năm 2012, nhà đầu tư căn cứ nội dung hợp đồng, đòi hỏi tăng phí của trạm từ 10.000 đồng/lượt xe tiêu chuẩn lên 15.000 đồng/lượt. Tuy nhiên, Bộ GTVT quyết định không cho tăng phí.
Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ khẳng định việc này là vi phạm hợp đồng với nhà đầu tư. Doanh thu thực tế của nhà đầu tư cũng giảm 60% so với phương án tài chính do ảnh hưởng dịch Covid-19, xây thêm cầu Nhật Tân, sửa cầu Thăng Long...
Theo hợp đồng, cứ 2 năm liên tục doanh thu giảm trên 10% thì buộc phải ký phụ lục hợp đồng, tính lại thời gian thu phí. Với mức giảm đến 60%, số năm thu phí của trạm BOT này đã bị kéo dài.
Ông Huyện cho biết nếu năm 2012 Nhà nước không vi phạm hợp đồng với nhà đầu tư và đồng ý cho tăng phí, đến năm 2030 có thể hoàn đủ vốn và đóng trạm. Với mức thu 10.000 đồng như hiện tại, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ khẳng định "phải mất 20 năm nữa mới có thể đóng cửa trạm thu phí".
Đề cập đến giải pháp xử lý, ông Huyện nêu 2 phương án. Một là dời trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài về đúng tuyến tránh Vĩnh Yên. Phương án này khả thi bởi 2 trạm thu phí trên tuyến quốc lộ 2 qua Vĩnh Phúc đã dừng thu phí, không còn lo ngại cảnh "3 trạm liền nhau".
Phương án còn lại là trình Chính phủ dùng ngân sách mua lại dự án.
Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ khẳng định việc lựa chọn phương án phải trên cơ sở đàm phán với nhà đầu tư, không thể dùng mệnh lệnh hành chính. "Bây giờ thu hút nhà đầu tư, thu hút vốn BOT mà anh lại đối xử với nhà đầu tư như thế thì ai người ta nghe", ông Huyện chia sẻ.
Trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài được lập để thu phí hoàn vốn cho dự án xây dựng quốc lộ 2, đoạn tránh TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), do Công ty cổ phần BOT Vietracimex 8 làm chủ đầu tư với số vốn 531 tỷ đồng. Việc đặt một trạm thu phí BOT ở ngoài phạm vi dự án đã khiến người dân bức xúc và nhiều lần phản ứng, gây mất trật tự tại trạm thu phí. Chính quyền TP Hà Nội cũng nhiều lần đề nghị xóa sổ trạm thu phí này.
Trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài đặt sai vị trí. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |