Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều 4/7, nghi vấn Công ty cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam nhập khẩu linh kiện sản xuất tại Trung Quốc nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán đã được nêu ra thảo luận.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính làm đầu mối, phối hợp với các bộ ngành trong đó có Bộ Công Thương. Ông Hải khẳng định Bộ sẽ tích cực phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, xử lý và báo cáo Chính phủ.
Tiếp lời Thứ trưởng, Phó cục trưởng Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải khẳng định hiện nay, Việt Nam chưa có quy định rõ ràng về xác định xuất xứ hàng hóa như thế nào thì được gọi là "Sản xuất tại Việt Nam", "Hàng hóa của Việt Nam".
Sau những vụ “nhập nhèm” xuất xứ như Khaisilk và Asanzo, Bộ Công Thương cho rằng việc đưa ra quy định gắn nhãn “Made in Vietnam” là cần thiết. |
Ông cho biết theo Nghị định 43, hàng hóa lưu thông trong nước bắt buộc phải dán nhãn tên người sản xuất, tổ chức cá nhân, xuất xứ hàng hóa. Tuy nhiên, Phó cục trưởng Xuất nhập khẩu chỉ ra Điều 15 lại quy định các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân dán nhãn phải có trách nhiệm tự xác định thông tin về xuất xứ mình đưa ra.
“Bộ Công Thương đã chủ động đề xuất với Chính phủ xây dựng văn bản quy định thế nào hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam và hàng hóa, sản phẩm sản xuất tại Việt Nam”, ông Trần Thanh Hải nói.
Ông Hải thông tin thêm văn bản này dự kiến sẽ ban hành ở cấp thông tư. Bộ Công Thương đang đưa ra dự thảo lần đầu, khi có sẽ công bố trên website lấy ý kiến người dân.
Trước đó, Bộ Công Thương cho rằng sau những vụ “nhập nhèm” xuất xứ như Khaisilk và Asanzo, việc đưa ra quy định gắn nhãn “Made in Vietnam” là cần thiết.
Bộ đang soạn thảo quy định về vấn đề này và khẳng định khi nào nhận được sự đồng tình cao của xã hội thì mới trình lên cấp trên.