Việt Nam chiếm đáng kể trong xuất khẩu vũ khí Nga
Tổng khối lượng xuất khẩu vũ khí Nga cho các nước, trong đó có Việt Nam, trong năm 2012 đạt tới gần 15 tỷ USD, vượt xa kế hoạch dự toán trước đó.
Tàu ngầm lớp Kilo Việt Nam mua của Nga. |
Tổng hợp nhiều kết quả hợp tác kỹ thuật quân sự sơ bộ giữa Nga và các nước khác trong năm 2012 đã được đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá là rất tích cực.
"Năm nay chúng tôi đã đạt được mức kỷ lục trong việc xuất khẩu các sản phẩm quân sự với tổng khối lượng các đơn hàng vượt quá 14 tỷ USD, vượt quá kế hoạch đề ra của năm", Tổng thống Putin cho biết.
Trong tháng 2/2012, Trưởng phòng Dịch vụ Liên bang về Hợp tác Kỹ thuật Quân sự (FSMTC) Mikhail Dmitriev nói với các nhà báo rằng, kế hoạch xuất khẩu vũ khí của Nga trong năm 2012 là 13,5 tỷ USD.
Ông Putin lưu ý về sự thay đổi chất lượng trong hệ thống hợp tác kỹ thuật – quân sự của Nga với các đối tác nước ngoài.
Theo ông, cùng với việc cung cấp các hệ thống vũ khí theo kiểu truyền thống thì hiện nay Nga cũng đang phát triển các phương thức hợp tác mới, gồm cả hợp tác sản xuất các sản phẩm quân sự và nghiên cứu cùng phát triển. Điều này cho phép giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của vũ khí Nga và tạo nhiều điều kiện cho các thị trường mới.
"Tôi xem đây là một yếu tố rất quan trọng. Chúng tôi đang nghiêm túc tham gia phục hồi vị trí của mình trên thị trường thế giới để nâng cấp và sửa chữa các trang thiết bị quân sự của Liên Xô, trước hết đó là cách quan trọng để xác nhận chỗ đứng vững chắc của chúng tôi trong các thị trường vũ khí truyền thống", ông Putin nói.
Nguyên thủ Quốc gia Nga nhấn mạnh rằng, cách tiếp cận này (hợp tác phát triển và sản xuất) cho phép tính toán sự tăng trưởng trong xuất khẩu vũ khí của Nga.
Theo FSMTC, trong năm 2011, xuất khẩu vũ khí Nga ra nước ngoài đạt mức 13,2 tỷ USD. Trong đó Rosoboronexport chiếm hơn 80% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quân sự được sản xuất tại Nga trong năm 2011. Theo đó, việc cung cấp vũ khí được thực hiện tại 65 quốc gia, với khoảng 25% khối lượng đã được xuất khẩu sang Ấn Độ, 15% ở Algeria, "một phần đáng kể" đã được bán cho Venezuela và Việt Nam.
Đối với các dòng sản phẩm quân sự, đứng đầu là sản phẩm hàng không, vị trí thứ 2 và thứ 3 tương ứng là các sản phẩm cho Hải quân và Lục quân, thứ 4 là các sản phẩm phòng thủ. Phần lớn các đơn giao hàng thuộc về Tổng công ty xuất nhập khẩu vũ khí Rosoboronexport (81%), còn lại 19% là 21 đơn vị hợp tác kỹ thuật – quân sự khác nhau.
Trong tháng 8/2012, trung tâm Phân tích buôn bán vũ khí thế giới (TSAMTO) báo cáo rằng, năm 2012 và bốn năm tới, Ấn Độ vẫn giữ vị trí là nhà nhập khẩu vũ khí số 1 trên thế giới.
Theo Đất việt