Tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Mỹ diễn ra hôm 9/10, các quan chức và nhà lãnh đạo doanh nghiệp hai nước nhận định Việt Nam có thể hưởng lợi từ làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng và sản xuất. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam cần tăng sức đề kháng trước khi đón nhận luồng chuyển dịch lớn như vậy.
Ông Charles Freeman, Phó chủ tịch cấp cao khu vực châu Á tại Phòng Thương mại Mỹ, nhận định Trung Quốc đã thống trị chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực trong vòng 15 năm. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đem đến cơ hội cho Việt Nam khi nhiều doanh nghiệp tìm cách dịch chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Theo ông Freeman, từ trước đến nay, Trung Quốc có lợi thế về nhân công giá rẻ. Nhưng lợi thế đó giờ đã bị các quốc gia khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, cạnh tranh. Tuy nhiên, điểm hạn chế của Việt Nam là cơ sở hạ tầng. Trung Quốc có một hệ thống cơ sở hạ tầng khá tốt, sẵn sàng đón nhận đầu tư từ nước ngoài.
Doanh nghiệp Mỹ đánh giá Việt Nam vẫn cần cải thiện cơ sở hạ tầng. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ
"Vì vậy, chính phủ các nước Đông Nam Á cần có những chính sách nhất quán hơn để thu hút FDI. Ngoài ra, Việt Nam cần chú ý xây dựng sức đề kháng của nền kinh tế khi tiếp nhận một luồng dịch chuyển lớn như vậy", chuyên gia tại Phòng Thương mại Mỹ bình luận.
"Cần đặt ra câu hỏi là nền kinh tế có đủ sức đón luồng dịch chuyển lớn như vậy hay không", ông nhấn mạnh. Trong khi đó, Đại sứ Michael Michalak, Phó Chủ tịch Cấp cao kiêm Giám đốc điều hành Khu vực của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, khẳng định mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Việt Nam đang đi lên.
"Đối với tôi, Việt Nam là đối tác tuyệt vời của Mỹ và mối quan hệ giữa hai nước sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Ông Freeman rất đúng khi nói rằng Việt Nam sẽ hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Các bạn cũng đã chuẩn bị cho kịch bản này", ông Michalak bình luận.
Ông thừa nhận rằng sẽ có những trắc trở trên con đường sắp tới. Tuy nhiên, Việt Nam đã đạt nhiều thành công trong việc thu hút làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thời gian qua. "Bản thân Việt Nam đang ngày càng cải thiện để đón làn sóng đầu tư lớn đó. Thành tích chống dịch Covid-19 cũng giúp các bạn trở thành điểm sáng", ông nói thêm.
Việt Nam cần chú ý xây dựng sức đề kháng của nền kinh tế khi tiếp nhận một luồng dịch chuyển lớn như vậy.
- Ông Charles Freeman
Theo ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp Bộ Công thương, dịch Covid-19 đã phơi bày sự phụ thuộc chuỗi cung ứng vào Trung Quốc. Các doanh nghiệp đang tìm cách đa dạng hóa để tránh đứt gãy dây chuyền sản xuất.
Trong quý III/2020, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,6%, trong khi nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực có mức tăng trưởng âm. Theo ông, những hạn chế của Việt Nam bao gồm cơ sở hạ tầng. Nhưng Chính phủ cũng đã quan tâm đến vấn đề đó và đẩy mạnh xây dựng để phục vụ hoạt động sản xuất và giao thương.
Ngoài ra, Việt Nam cũng tập trung thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ, bao gồm hỗ trợ ngành ôtô, cơ khí, dệt may và điện tử, từ đó thu hút nhà đầu tư và kéo theo những tập đoàn kinh tế lớn.
Gia tăng lòng tin
Ông Nguyễn Ngọc Thành lấy ví dụ về Samsung. Ban đầu, tập đoàn Hàn Quốc rất thận trọng khi đến Việt Nam. Nhưng sau khi nhận thấy môi trường Việt Nam có nhiều cơ hội, Samsung đã mở rộng quy mô sản xuất.
Ông cũng nêu ra một số điểm mạnh của Việt Nam, bao gồm môi trường chính trị ổn định, khả năng chống chịu những biến cố như dịch bệnh, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng cải thiện, chính sách hỗ trợ đầu tư, người lao động tay nghề cao và nhạy bén, vị trí địa lý thuận lợi...
Còn ông Nguyễn Khánh Quỳnh, Tổng giám đốc Pan Farm, nhấn mạnh Việt Nam cần gia tăng niềm tin của doanh nghiệp Mỹ và xây dựng thương hiệu. Theo ông Quỳnh, Việt Nam cần tập trung vào những ngành có lợi thế cạnh tranh như nông nghiệp với các sản phẩm cà phê, hạt điều...
"Trước mắt, chúng ta cần xác định rõ là Việt Nam không phát triển đầu tư theo chiều rộng mà chỉ thu hút có trọng điểm nhờ những ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh thực sự", ông Quỳnh nói.
Trên thực tế, xu hướng đầu tư hiện nay vẫn biến động vì dịch Covid-19. Trong khi đó, các nhà đầu tư cũng chú ý vào những nước khác trong khu vực như Thái Lan.
"Tôi nhận thấy giữa Mỹ và Việt Nam vẫn còn khoảng lặng về niềm tin. Đó là niềm tin đối với hiệu quả và năng lực sản xuất. Họ sẽ nhìn vào chi phí và chất lượng. Cá nhân tôi cho rằng không chỉ doanh nghiệp, mà mỗi cá nhân Việt Nam đều cần cam kết dựa trên cơ sở lòng tin và đặt uy tín chất lượng lên hàng đầu", vị CEO nhấn mạnh.