Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Việt Nam - APEC sau 20 năm: 'Nếu muốn đi xa, hãy đi cùng nhau'

Tại Hội nghị “Việt Nam và APEC: 20 năm qua và chặng đường sắp tới”, các đại biểu đã nhìn lại hành trình tham gia APEC của Việt Nam và nhất trí sẽ tăng cường hợp tác sâu rộng hơn.

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực chuyển biến nhanh chóng với sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, căng thẳng thương mại, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) cần đi đầu thúc đẩy đà tăng trưởng, liên kết kinh tế khu vực và giải quyết những thách thức của thế kỷ 21.

Phó thủ tướng phát biểu trước các đại biểu trong và ngoài nước tham dự hội nghị “Việt Nam và APEC: 20 năm qua và chặng đường sắp tới”, diễn ra hôm 30/11 tại Hà Nội. Hội nghị được tổ chức một năm sau Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 25 tại Đà Nẵng, đánh dấu chặng đường 20 năm tham gia APEC của Việt Nam (11/1998 - 11/2018).

“Trong một thế giới siêu kết nối, APEC đứng trước những vận hội mới đan xen với các thách thức chưa từng có. Tuần lễ Cấp cao APEC tại Papua New Guinea vừa qua đặt ra những thách thức nhất định đối với Diễn đàn APEC", Phó thủ tướng phát biểu tại hội nghị.

Hoi nghi APEC 20 nam anh 1
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VGP.

Dấu mốc của những thành tựu

Phát biểu tại phiên thảo luận thứ nhất về chặng đường hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan nhắc lại triết lý đối ngoại cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “mở cửa” và “coi châu Á là anh em, coi các nước lớn là bạn bè”.

“Hai triết lý đó của ngoại giao Việt Nam đã được thể hiện ở APEC”, ông Vũ Khoan nhấn mạnh.

Hai thập kỷ tham gia APEC cũng là hai thập kỷ Việt Nam đạt những thành tựu to lớn trên con đường phát triển và hội nhập. Việt Nam đã trở thành thành viên tích cực, có trách nhiệm của các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu, là mắt xích quan trọng của nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực.

Theo ông Vũ Khoan, tham gia APEC, Việt Nam có nhiều cái “được”: “Lợi ích lớn nhất nhưng vô hình là việc nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; thứ hai là nền nền kinh tế phát triển mạnh; thứ ba, thể chế kinh tế tự do hóa của APEC liên thông và hỗ trợ cho cải cách thể chế trong nước của Việt Nam và thứ tư, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội, sân chơi để tập dượt” trước khi vươn ra thế giới.

Nhiều thành viên APEC đã trở thành đối tác quan trọng về thương mại và đầu tư của Việt Nam. Tham gia APEC cũng tạo nền tảng để Việt Nam tham gia các sân chơi rộng lớn, có mức độ cam kết cao hơn như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới.

Hoi nghi APEC 20 nam anh 2
Các nhà lãnh đạo tại hội nghị APEC ở Papua New Guinea ngày 18/11. Ảnh: VGP.

Hai thập kỷ qua cũng ghi dấu giai đoạn chuyển mình sâu sắc của Diễn đàn APEC trong chặng đường gần 30 năm hình thành và phát triển. Theo Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, APEC đã phát triển vượt lên kỳ vọng, khẳng định vai trò là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực.

Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, phó tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Chính trị - An ninh, cho rằng: “Nếu muốn đi nhanh, hãy đi một mình còn nếu muốn đi xa, hãy đi cùng nhau. Vì vậy chúng ta cần có những thay đổi để thích ứng, và chúng ta phải đi cùng nhau”.

“Không nên say sưa với chiến thắng”

Tại phiên thảo luận thứ hai của hội nghị, Đại sứ Allan Wagner, cựu ngoại trưởng Peru, chủ tịch Nhóm Tầm nhìn APEC, cho rằng: “Cần phải thừa nhận APEC đã đạt được rất nhiều thành tựu trong Mục tiêu Bogor, phản ánh quá trình hội nhập kinh tế liên khu vực. Tuy nhiên, đây không phải là lúc say sưa với chiến thắng từ những thành tựu của APEC”.

Các đại biểu tại hội nghị đều nhất trí rằng hiện nay APEC đang đứng trước những thách thức lớn từ các nền kinh tế thành viên và từ bối cảnh thế giới thay đổi.

Theo tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, đồng chủ tịch Hội đồng Tư vấn Doanh nghiệp APEC, chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, APEC “đang chứng kiến hai nghịch lý lớn”: từng là nơi khởi nguồn tự do hóa thương mại nhưng nay cũng là nơi trỗi dậy chủ nghĩa bảo hộ; từng có sự đồng thuận rất cao tại APEC nhưng nay các nhà lãnh đạo lại đang đứng ở ngã ba đường, mà hội nghị APEC 2018 ở Papua New Guinea là một ví dụ điển hình.

“Hội nghị APEC 2018 diễn ra tương đối thành công… nhưng việc không đưa ra được tuyên bố chung là thách thức trong thời gian tới để tiếp tục duy trì phát triển”, tiến sĩ Alan Bollard, giám đốc điều hành Ban Thư Ký APEC, nói.

Hoi nghi APEC 20 nam anh 3
Các đại biểu dự Hội nghị “Việt Nam và APEC: 20 năm qua và chặng đường sắp tới”. Ảnh: VGP

Đại sứ Wagner cho rằng kỷ nguyên số đang đặt ra trước mắt những thay đổi sâu sắc trong xã hội các nền kinh tế thành viên và nhiều thách thức khác trong quan hệ quốc tế về địa chính trị, trong đó các nước lớn đang định vị lại chính bản thân họ.

"Việc duy trì các giá trị cốt lõi của hợp tác APEC về ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, thúc đẩy thương mại và đầu tư tự do và mở đứng trước những khó khăn. Do đó, APEC cần tiếp tục vươn lên để khẳng định vai trò không thể thiếu trong cấu trúc đa cực đang định hình”, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.

Tầm nhìn cho tương lai

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, đại diện Việt Nam tại Nhóm Tầm nhìn APEC, cho rằng 10-15 năm tới là giai đoạn chuyển đổi then chốt. Chương trình nghị sự APEC sau năm 2020 cần góp phần xây dựng một khu vực tự cường, gắn kết, bao trùm và sáng tạo.

APEC cần đóng vai trò toàn cầu vì một Cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Trong đó, Việt Nam hiện nay có một tầm vóc rất mới để tham gia tích cực và đóng góp nhiều hơn cho APEC.

"Là một thành viên chủ động, sáng tạo của APEC, Việt Nam sẽ đóng góp tích cực để góp phần định hình và thực hiện Tầm nhìn APEC sau 2020, xây dựng APEC vì người dân và doanh nghiệp", bà Nguyễn Nguyệt Nga nhấn mạnh.

Hoi nghi APEC 20 nam anh 4
Các nhà lãnh đạo hội hội nghị APEC tháng 11/2017 ở Đà Nẵng. Ảnh: Reuters.

Thách thức mà APEC cần vượt qua trong thời gian tới là “ứng xử khôn khéo và hiệu quả đối với những cách tiếp cận khác nhau”, không chỉ từ Mỹ và Trung Quốc mà còn từ các nền kinh tế khác, theo tiến sĩ Võ Trí Thành, chủ tịch Ủy ban Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương của Việt Nam.

“Điều quan trọng nhất của APEC là niềm tin. Việt Nam có niềm tin vào APEC. Và qua thành công của APEC năm 2017, mong rằng các nền kinh tế cũng có đủ niềm tin vào Việt Nam với vai trò thành viên có đóng góp tích cực, chủ động vào sự phát triển của APEC”, ông Võ Trí Thành kết luận.

Trong khi đó, ông Bollard nói APEC cần phải tập trung vào những gì diễn ra ngoài phòng họp, tức là việc áp dụng những thỏa thuận như thế nào trong thực tế, đồng thời cần tránh chủ nghĩa song phương hay đơn phương.

'Việc APEC không đưa ra được tuyên bố chung là điều đáng tiếc'

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao đánh giá việc các lãnh đạo APEC không đạt được tuyên bố chung là đáng tiếc, nhưng hội nghị đạt được nhiều kết quả và sẽ tiếp tục là diễn đàn quan trọng.

Hy vọng bất thành của TQ nhằm thúc đẩy 'quyền lực mềm' ở APEC

Khi lãnh đạo Mỹ và Nga đều vắng mặt tại APEC, nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn không thành công trong việc thúc đẩy quyền lực mềm của Bắc Kinh tại diễn đàn kinh tế khu vực.

Hương Ly

Bạn có thể quan tâm