Theo đó, mức thuế chống bán phá giá được áp dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu thép phủ màu (thường được gọi là tôn màu) của Trung Quốc là từ 2,53% đến 34,27% và của Hàn Quốc là từ 4,71% đến 19,25%.
Biện pháp chống bán phá giá chính thức có hiệu lực kể từ ngày 24/10.
Các bên liên quan có thể yêu cầu Bộ Công Thương rà soát lại phạm vi sản phẩm, mức thuế chống bán phá giá áp dụng cho nhà xuất khẩu mới hoặc mức thuế hiện hành áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài theo quy định pháp luật về phòng vệ thương mại của Việt Nam.
Sản phẩm thép phủ màu. Ảnh: Cục Phòng vệ thương mại. |
Bộ Công Thương cho biết đã bắt đầu tiến hành điều tra vào tháng 10/2018 trên cơ sở kết quả thẩm định hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá của đại diện ngành sản xuất trong nước nộp vào tháng 8/2018. Kết luận sau đó khẳng định có đủ cơ sở ban hành quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá.
Cụ thể, tồn tại hành vi bán phá giá đối với sản phẩm thép phủ màu của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc, hàng hóa nhập khẩu từ hai nước này đang được bán phá giá với biên độ khá cao, từ 2,53% đến 34,27%.
Đồng thời, ngành sản xuất thép phủ màu trong nước đang bị đe dọa, gây thiệt hại đáng kể và hành vi bán phá giá là nguyên nhân chính dẫn tới mối đe dọa nêu trên.
Bộ Công Thương cho rằng hành vi và mức độ bán phá giá thép phủ màu của Trung Quốc và Hàn Quốc đã gây ra sức ép đáng kể cho các chỉ số hoạt động của ngành sản xuất trong nước.
Các tiêu chí như sản lượng sản xuất, lượng bán hàng, doanh thu, lợi nhuận, thị phần, hàng tồn kho có nhiều biến động trong giai đoạn điều tra. Giai đoạn 7 tháng cuối năm 2018 đến nay, các chỉ số đều có xu hướng suy giảm, nhiều các doanh nghiệp sản xuất trong nước thua lỗ, dây chuyền sản xuất phải ngừng hoạt động và nhiều lao động đã phải nghỉ việc.