Theo đó, công ty này được doanh nghiệp Việt Nam tìm thấy qua mạng Internet có tên GSN International, địa chỉ tại Senegal, người đại diện là ông Elahdji Sidy Niang. GSN International đã mua 1 container tiêu đen 40 feet từ Việt Nam trị giá 61.750 USD.
Người mua đã nhận bộ chứng từ, lấy hàng ra khỏi cảng song không thanh toán cho công ty Việt Nam (đến nay đã gần 2 tháng). Công ty xuất khẩu Việt Nam liên lạc với người mua nhiều lần nhưng không được.
Ngân hàng người bán cũng đã liên lạc với ngân hàng người mua tại Senegal thì được trả lời là người ký nhận bộ chứng từ (do khách hàng giới thiệu) không làm việc tại ngân hàng này.
Công ty tại Senegal đã mua 1 container tiêu đen 40 feet từ Việt Nam trị giá 61.750 USD. Ảnh minh họa: Báo Đầu tư. |
Thương vụ Việt Nam tại Algeria đã gọi cho ông Elahdji Sidy Niang nhưng ông này nói không có bằng chứng việc công ty Senegal nhập khẩu hàng Việt Nam, sau đó cắt mọi liên lạc.
Thương vụ đã gửi thư kèm theo các chứng từ liên quan tới Đại sứ quán Senegal tại Algeria, Bộ Thương mại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Senegal cũng như ngân hàng VDN/BICIS để nhờ hỗ trợ, yêu cầu khách thanh toán tiền hàng cho nhà xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay nỗ lực này vẫn chưa có kết quả tích cực.
Thương vụ Việt Nam tại Algeria sau đó lưu ý các doanh nghiệp khi kinh doanh tại khu vực này, nhất là ở Tây và Trung Phi (Senegal, Mali, Niger…) cần tìm đối tác qua các kênh như tham dự hội chợ, triển lãm quốc tế, các diễn đàn doanh nghiệp, các cuộc giao thương trực tiếp, qua giới thiệu của các cơ quan xúc tiến thương mại và bạn hàng quen thuộc.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cần đề nghị đối tác cung cấp giấy tờ có thể hỗ trợ xác minh trước khi tiến hành giao dịch, yêu cầu khách hàng đặt cọc ít nhất là 30% giá trị tiền hàng, hạn chế cho khách hàng trả chậm.
“Hợp đồng cần quy định rõ cơ quan giải quyết tranh chấp (trọng tài hay tòa án) để làm cơ sở cho việc giải quyết khi tranh chấp phát sinh”, Thương vụ Việt Nam tại Algeria nhấn mạnh.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Senegal đạt 25,8 triệu USD, chủ yếu gồm các mặt hàng như hạt tiêu (6 triệu USD), dệt may (4,8 triệu USD) và gạo (3,2 triệu USD).
Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Senegal đạt 28 triệu USD, trong đó các mặt hàng chính là hạt điều (20 triệu USD), hàng hải sản (6,7 triệu USD) và bông (0,7 triệu USD).