Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Viện Pháp tại Hà Nội rời khỏi số 24 Tràng Tiền

Việc chuyển từ "khu đất vàng" 24 Tràng Tiền sang phố Thiền Quang của Viện Pháp ở Hà Nội là để phục vụ cho chiến lược mới và đánh dấu bước chuyển mình trong hoạt động của Viện Pháp.

Sáng 8/4, Viện Pháp tại Hà Nội đã tổ chức họp báo về việc thay đổi địa điểm sau gần 20 năm chuyển đến số 24 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm.

Trong buổi họp báo, Đại sứ Pháp tại Việt Nam - ông Nicolas Warnery - cho biết Viện Pháp tại Hà Nội sẽ chuyển tới địa điểm mới là số 15 Thiền Quang (thuộc quận Hai Bà Trưng).

Đây là một biệt thự tồn tại từ đầu thế kỷ XX, theo kiến trúc Đông Dương và đang trong thời gian tu bổ. Địa điểm mới của Viện Pháp tại Hà Nội sẽ bắt đầu đón học viên tiếng Pháp và độc giả tại thư viện, những người có quan tâm từ ngày 6/5.

Ngoài địa điểm số 15 Thiền Quang, L’Espace Campus France - bộ phận tư vấn cho sinh viên mong muốn du học Pháp - sẽ hoạt động trong một biệt thự khác ở số 8 Thiền Quang.

Lý do chuyển địa điểm

Đề cập tới lý do chuyển địa điểm ở Hà Nội, ông Warnery nói điều này nằm trong chiến lược mới của Viện Pháp tại Việt Nam, nhằm đổi mới sáng tạo theo 3 hướng chính.

Đầu tiên, Viện Pháp mong muốn tiếp cận với nhóm công chúng mới. Hai cơ sở mới của Viện Pháp tại Hà Nội sẽ không còn hội trường và phòng triển lãm bởi từ nay chương trình văn hóa của viện được tổ chức bên ngoài cơ sở.

Viện Pháp muốn quảng bá chương trình biểu diễn, triển lãm, tọa đàm,… tới nhóm công chúng khác ở mọi nơi của Hà Nội, chứ không chỉ gói gọn trong quận Hoàn Kiếm như hiện nay.

vien phap tai ha noi chuyen dia diem anh 1

Ông Nicolas Warnery - Đại sứ Pháp tại Việt Nam (giữa), bà Sophie Maysonnave - Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam, ông Thierry Vergon - Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội trong buổi họp báo sáng 8/4. Ảnh: Viện Pháp tại Việt Nam.

Tiếp theo, chuyển địa điểm là nhằm phát triển thêm nhiều hoạt động mới. Việc tổ chức hoạt động bên ngoài cơ sở của Viện Pháp sẽ giúp viện hướng tới xây dựng chương trình với đối tác địa phương, ở tất cả phố phường Hà Nội.

Ngoài ra, một yếu tố khác thúc đẩy việc Viện Pháp chuyển địa điểm ở Hà Nội là vì chi phí thuê mặt bằng và tổ chức sự kiện ở đây ngày càng cao. Kể từ năm 2003, phố Tràng Tiền, gần Nhà hát lớn, đã có nhiều đổi khác khi cửa hàng và hiệu sách nhỏ bị thay thế bởi cửa hàng sang trọng và xa xỉ.

Do đó, khu phố này trở nên đắt đỏ hơn, một bộ phận công chúng của Viện Pháp, như sinh viên, khó tiếp cận. Điều này đi ngược với tính chất các dự án của viện là một tổ chức phi lợi nhuận, cung cấp dịch vụ chất lượng cao nhưng giá cả phải chăng.

Do đó, đại diện Viện Pháp nói rằng việc di dời cơ sở mới là vừa do yếu tố khách quan - như chi phí đội lên cao và môi trường xung quanh không còn hợp với tính chất của Viện Pháp - vừa là vì Viện Pháp muốn thay đổi cách tiếp cận, chủ động thích nghi với xu hướng chung.

"Chúng tôi chỉ thay đổi bức tường bên ngoài"

Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội Thierry Vergon thông tin thêm cơ sở số 15 Thiền Quang sẽ là địa điểm chính tiếp đón công chúng.

Bắt đầu từ tháng 5, cơ sở này bắt đầu khởi động lại chương trình dạy tiếng Pháp. Duy trì giảng dạy tiếng Pháp vẫn là ưu tiên chính, nhằm nâng cao tiếng Pháp của học sinh, sinh viên Việt Nam, theo ông Vergon.

vien phap tai ha noi chuyen dia diem anh 2

Hình ảnh phác họa cơ sở mới của Viện Pháp tại Hà Nội. Ảnh: Viện Pháp tại Việt Nam.

Ngoài ra, trụ sở mới còn xây dựng cả trung tâm thư viện, trung tâm tư liệu đa phương tiện phục vụ cho đối tượng trẻ, học sinh, sinh viên có nhu cầu tra cứu, tìm hiểu văn hóa và ngôn ngữ Pháp.

Viện cũng sẽ chú trọng tổ chức các hoạt động bên ngoài cơ sở này, như tổ chức workshop, triển lãm…, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động trực tuyến và trực tiếp sau khi dời sang địa điểm mới.

“Cốt lõi Viện Pháp không thay đổi gì cả, chỉ là thay đổi bức tường bên ngoài. Chúng tôi vẫn làm việc với những con người ấy, đội ngũ ấy”, ông Vergon chia sẻ. “Không gian của chúng tôi chật hơn, nhưng đối tác lại rộng hơn”.

Ngoài ra, bà Sophie Maysonnave - Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam - nói rằng việc chuyển địa điểm dựa trên tinh thần đồng hành cùng Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030. Đây là bước khởi đầu cùng thành phố Hà Nội bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa - một lĩnh vực mà Pháp cũng rất quan tâm.

Trong đó, bà nhấn mạnh tới trọng tâm ưu tiên là sức trẻ, hướng tới đối tượng công chúng trẻ, “Hà Nội trẻ, Việt Nam trẻ, gu thảo luận trẻ” để hiện đại hóa cách tiếp cận.

ĐH Fulbright thành lập Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam

Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) ngày 7/4 thông báo thành lập Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam nhằm quảng bá hơn nữa giá trị văn hóa đất nước.

Nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc

Hội sách trực tiếp, trực tuyến, các cuộc thi giới thiệu, trưng bày sách, giao lưu với tác giả… sẽ được thực hiện để hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ nhất.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm