Ảnh: Pam Williams. |
Nhân đây tôi xin nhắc lại câu chuyện viên ngọc quý trong kinh Pháp Hoa. Một vị trưởng giả triệu phú kia biết rằng đứa con trai mình vì tính tiêu xài phung phí nên có thế làm tán gia bại sản ngay trong một thời gian ngắn sau khi ông qua đời.
Ông liền lấy cái áo của đứa con, cái áo mà ông dặn đứa con sẽ mang theo suốt đời, rạch gấu áo và giấu vào đấy một viên ngọc bảo châu quý giá vô ngần. Quả nhiên sau khi ông mất, đứa con phá sản trong một thời gian rất ngắn, và sau khi bị bạn bè hắt hủi phải đi tha phương cầu thực, đói lạnh khổ sở tháng này sang năm khác. Một hôm khám phá ra được viên ngọc trong gấu áo, đứa con liền trở thành giàu có sung sướng như xưa.
Viên ngọc kia, trong trường hợp Việt Nam mà cũng là trường hợp của Á châu nữa, là tiềm lực và khả năng của đạo Phật nằm sâu trong lớp hình thức cũ kỹ và tầm thường của những nhu cầu tín ngưỡng bình dân.
Viên ngọc đó đã hơn một lần lóe cho ta thấy ánh sáng của nó. Tình trạng của chúng ta hiện cũng là tình trạng của đứa con nghèo khổ tha phương khất thực không nơi nương tựa, không có một cái gì nữa để tin vào mà sống.
Gần một thế kỷ mất nước. Hai mươi năm chiến họa liên miên... Văn minh Tây phương gây xáo động và thác loạn. Đạo lý cổ truyền bất lực vì không thoát xác nổi. Tôn giáo lấm lem chính trị. Bạo lực gây chia rẽ, căm thù, cuồng tín...
Người thanh niên sinh ra chán nản nghi ngờ, liều lĩnh, đi tìm quên lãng trong khói thuốc, tiếng ca, men rượu. Chúng ta lâm vào tình trạng cơ cực nghèo khổ còn chua xót gấp mấy lần đứa con phung phí của người trưởng giả trong kinh Pháp Hoa.
Dân tộc Việt Nam, có dư can đảm để chịu đựng khổ đau nhưng khổ đau phải là khổ đau vì một cái gì. Phải có một cái gì để làm đối tượng cho sự quy hướng đức tin. Nếu bạo lực, căm thù, cuồng tín đã thất bại thì chỉ còn có tình thương, sự hy sinh và thái độ không cố chấp mới có thể xây dựng lại cuộc sống.
Bản chất của đạo Phật
Mà tình thương, sự hy sinh và thái độ không cố chấp ấy ở đạo Phật vốn không phải là những trang sức hình thức: nó nằm trong tận cùng bề sâu của đạo Phật, nó là bản chất của đạo Phật. Nó chính là viên bảo châu quý giá. Thực ra những chất liệu quý giá kia đã được phát sinh và nuôi dưỡng bởi công trình thực nghiệm và sinh hoạt tâm linh của Đức Phật và của con người.
Qua những biến cố và kinh nghiệm trong lịch sử, và nhất là qua cuộc tranh đấu giành độc lập tự do cho dân tộc, ta biết đến sự hiện hữu của viên ngọc quý giá đó. Tuy nhiên, nó đang nằm sâu trong lớp áo rách, phải làm thế nào để đem nó ra cho được thì ta mới thoát khỏi trạng thái khó khăn hiện nay. Tất cả sự khó khăn là ở chỗ đó.
Trong những năm tháng tha phương cầu thực, đứa con cùng khổ tuy mang viên ngọc quý trong áo nhưng vẫn không biết không hay. Mà dù nếu có biết rằng viên ngọc đang nằm trong túi áo nhưng không lấy được nó ra thì đứa con cũng chưa có thế gọi là thực sự giàu có. Chúng ta cũng vậy. Nếu chỉ bằng lòng với ý tưởng rằng chúng ta có viên ngọc, mà không chịu nỗ lực để làm hiển lộ nó - hiển lộ tiềm lực và khả năng đạo Phật - thì chúng ta vẫn chưa là thực sự giàu có.
Và công việc đòi hỏi tất cả chúng ta - những người giữ ngọc - một thái độ khiêm tốn, một tinh thần cấp cứu, một ý chí cương quyết thực hiện. Phải trở lại với đạo Phật, phải được đạo Phật thẩm thấu cho trí thức và thanh niên, phải xây dựng lại nền Phật học, phải đem nền Phật học ấy ra áp dụng trong sinh hoạt tâm linh, áp dụng trong mọi sinh hoạt văn hóa, kinh tế, mỹ thuật, xã hội... như các nhà Phật học xưa kia đã thực hiện và đã thành công trong xã hội Lý - Trần.
Bình luận