Viên kim cương khổng lồ gây căng thẳng Anh - Ấn
Mặc cho Ấn Độ ra sức kêu than, chính quyền Anh cương quyết không trao trả lại viên kim cương lớn nhất thế giới, từng được gắn vào vương miện hoàng gia và mang trong mình nhiều bí ẩn.
Viên kim cương Koh-i-Noor đang được trưng bày ở Anh. |
Năm 1850, chính quyền thuộc địa Ấn Độ đã tặng viên kim cương Koh-i-Noor lớn nhất thế giới cho Nữ hoàng Victoria và nó đã được gắn vào vương miện của bà. Khối lượng ban đầu của Koh-i-Noor là 191.10 carat, tới năm 1852 do bị vỡ nên nó được mài lại nên giảm trọng lượng xuống còn 108.93 carat. Đây là viên kim cương lớn nhất thế giới, hầu như là vô giá và không bao giờ được mang ra bán.
Koh-i-Noor được mệnh danh là “kim cương Vua” không chỉ bởi độ lớn cũng như chất lượng tuyệt hảo của nó. Tương truyền viên kim cương đặc biệt này có từ thời Ấn Độ cổ Mahabharat cách đây hơn 5.000 năm và người sở hữu nó sẽ có quyền lực thống trị thế giới.
Chính vì thế báu vật này đã trở thành đối tượng bị tranh giành từ hết triều đại này đến triều đại khác ở Ấn Độ và nhiều vị vua giữ nó đã phải trả giá bằng số phận bi thảm.
Nếu Kate Middleton, vợ của Hoàng tử William (người xếp thứ 2 trong thứ tự thừa kế ngai vàng), trở thành hoàng hậu Anh, cô sẽ được đeo vương miện gắn viên kim cương này trong các sự kiện chính thức.
Khi Nữ hoàng Elizabeth II có chuyến thăm nhà nước tới Ấn Độ nhân sự kiện 50 năm nước này giành độc lập từ tay thực dân Anh, nhiều người Ấn đã đề nghị chính quyền xứ sở sương mù trao trả viên kim cương để chuộc lỗi cho quá khứ thuộc địa.
Tuy nhiên, phát biểu trong ngày cuối cùng nhân chuyến thăm Ấn Độ nhằm thúc đẩy đầu tư và thương mại giữa 2 nước mới đây, Thủ tướng Anh David Cameron phủ nhận khả năng trao trả viên kim cương Koh-i-Noor hiện đang được trưng bày tại Tháp London.
“Tôi không nghĩ đó là biện pháp hợp lý. Đây là vấn đề tương tự như bộ tượng cẩm thạch Elgin”, Thủ tướng Anh đề cập đến các bức tượng của Hy Lạp nhưng đang được trưng bày ở Anh. Lâu nay, Athens luôn yêu cầu chính quyền Anh trao trả chúng nhưng không thành công.
Koh-i-Noor được gắn trên vương miện của Nữ hoàng Anh. |
“Câu trả lời chính xác là nên để Bảo tàng Anh và các tổ chức văn hóa khác thực hiện việc họ đang làm, nhằm giữ gìn những bảo vật đó một cách hợp lý và trưng bày cho mọi người cùng tham quan. Tôi không tin vào 'chủ nghĩa trao trả' và đó không phải là cách làm hợp tình hợp lý”, ông Cameron nhấn mạnh.
Bình An
Theo Infonet