Viện Hàn lâm ngày 15/8 cho biết họ sẽ tổ chức một chương trình “trò chuyện, chữa lành và kỷ niệm" với bà Sacheen Littlefeather (79 tuổi) vào tháng 9 tới, Guardian đưa tin.
Khi đưa ra thông báo này, Viện Hàn lâm đã chia sẻ một bức thư do chủ tịch David Rubin gửi cho bà Littlefeather vào tháng 6.
Trong bức thư, ông đã gọi bài phát biểu khi ấy của bà Littlefeather là “một tuyên bố mạnh mẽ nhắc nhở chúng ta về sự tôn trọng và tầm quan trọng của phẩm giá con người”.
“Những hành động lăng mạ, sỉ nhục mà bà phải chịu đựng vì tuyên bố (gần 50 năm trước) là không có cơ sở và căn cứ. Gánh nặng tình cảm mà bà đã trải qua và cái giá phải trả cho sự nghiệp của chính bà trong ngành công nghiệp của chúng tôi là không thể bù đắp được. Đã quá lâu khi sự dũng cảm mà bà thể hiện không được công nhận. Vì điều này, chúng tôi xin gửi lời xin lỗi sâu sắc nhất và sự ngưỡng mộ chân thành của chúng tôi đến bà”, bức thư viết.
Trước đó, khi Marlon Brando được Viện Hàn lâm vinh danh nam diễn viên chính xuất sắc trong tác phẩm The Godfather, ông đã từ chối giải thưởng và để diễn viên, đồng thời nhà hoạt động dân quyền người Mỹ bản địa Sacheen Littlefeather đi thay.
Năm 1973, bà Littlefeather, mặc chiếc trang phục truyền thống, đã trở thành người phụ nữ bản địa đầu tiên đứng trên sân khấu tại lễ trao giải Oscar.
Sacheen Littlefeather, phát biểu tại lễ trao giải Oscar năm 1973. Ảnh: Bettmann. |
Trong bài phát biểu dài 60 giây, bà giải thích rằng Brando không thể nhận giải do phản đối sự bất công mà “ngành công nghiệp điện ảnh đối xử với người Mỹ da đỏ” lúc bấy giờ.
Sau những lời phát biểu này, Sacheen Littlefeather phải chịu đựng hàng loạt tiếng la ó từ khán giả. Cũng nhiều năm kể từ đó, Littlefeather cho biết bà đã bị chế giễu, tẩy chay, phân biệt đối xử và tấn công cá nhân vì lần xuất hiện ngắn ngủi tại Lễ trao giải Oscar.
Sau tuyên bố của Viện Hàn lâm, bà Littlefeather đã bày tỏ “niềm vui sâu sắc khi thấy mọi thứ đã thay đổi nhiều như thế nào kể từ khi tôi thay mặt từ chối giải thưởng Viện Hàn lâm cách đây 50 năm”.