Hôm 18/3, một quan chức cho hay đại úy Jay Baker không còn là người phát ngôn về vụ xả súng ba spa ở Atlanta nữa.
Andrea DeCourcey, trợ lý điều hành của Văn phòng Cảnh sát trưởng hạt Cherokee, cho biết cô không rõ tại sao ông Baker bị tước bỏ vai trò cập nhật thông tin về vụ xả súng.
Phản ứng dữ dội bắt đầu sau khi Đại úy Jay Baker - phát ngôn viên của Văn phòng Cảnh sát trưởng hạt Cherokee, bang Georgia, nói với các phóng viên rằng nghi phạm xả súng hàng loạt đã có một "ngày tồi tệ", theo Washington Post.
"Anh ta đã rất chán nản và gần như sắp hết chịu đựng nổi. Hôm qua là một ngày thực sự tồi tệ đối với anh ta và đây là những gì anh ta đã làm", Đại úy Jay Baker, thuộc Văn phòng Cảnh sát trưởng hạt Cherokee, cho biết hôm 17/3.
Đại úy Baker nói về thanh niên 21 tuổi bị cáo buộc giết tám người, chủ yếu là người châu Á và hầu hết là phụ nữ, trong một cuộc tấn công nhằm vào ba spa ở khu vực Atlanta, bang Georgia.
Đại úy Jay Baker, thuộc Văn phòng Cảnh sát trưởng hạt Cherokee. Ảnh: New York Times. |
Sau đó, khi nỗi sợ hãi đã lan rộng trong cộng đồng người gốc Á, người ta tìm thấy các bài đăng trên Facebook của Baker quảng cáo áo sơ mi gọi loại virus corona mới là "Virus du nhập từ Trung Quốc" (viết China thành Chy-na).
Trong một bức thư được chia sẻ vào chiều 18/3, Cảnh sát trưởng Frank Reynolds không đề cập đến các bài đăng về chiếc áo "Chy-na" nhưng thừa nhận rằng bình luận của ông Baker đã "trở thành đối tượng gây tranh cãi và tức giận".
Ông Baker đã đảm đương "nhiệm vụ khó khăn" sau vụ xả súng - "một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất trong hai mươi tám năm trong ngành thực thi pháp luật của anh ấy", ông Reynolds nói thêm. Cảnh sát trưởng ca ngợi công việc của đại úy và nói rằng ông Baker có "mối quan hệ cá nhân với cộng đồng gốc Á".
Nhiều người đã kêu gọi ông Baker từ chức sau những phát biểu và lịch sử hoạt động mạng xã hội của ông, đặc biệt giữa lo ngại về tình trạng phân biệt chủng tộc trong ngành thực thi pháp luật. Trong năm qua, nhiều người cảnh báo rằng những cụm từ như "virus Trung Quốc" đang kích động thành kiến, đôi khi biến thành bạo lực, đối với người gốc Á tại Mỹ.