Các vụ tấn công xảy ra tại 3 tiệm spa và massage tại hạt Cherokee, thành phố Atlanta, thủ phủ của bang Georgia, khiến 8 người thiệt mạng, trong đó có 6 nạn nhân là người Mỹ gốc Á.
Robert Aaron Long, 21 tuổi, sống tại hạt Cherokee, bang Georgia được xác định là nghi phạm chính trong cả ba vụ xả súng trên. Long bị cảnh sát thành phố Atlanta bắt giữ vào đêm 16/3 và đang đối mặt với nhiều tội danh bao gồm giết người và hành hung gây thương tích.
Hiện trường một trong những vụ xả súng. Ảnh: AP. |
Tuy thủ phạm đã bị bắt giữ, đối với những người dân tại thành phố Atlanta, đặc biệt là cộng đồng gốc Á, việc một vụ xả súng nhằm vào những thành viên của cộng đồng này đã gây ra sự đau đớn sâu sắc và hoang mang tột độ.
Sống trong sợ hãi
Khi Thu Nguyen nghe tin về các vụ xả súng ở ba spa tại Atlanta, điều cô nghĩ tới trước tiên là mẹ mình - một phụ nữ gốc Việt làm chủ salon nail ở Montrose, bang Colorado, Mỹ.
“Đó đã có thể là mẹ của tôi”, Thu Nguyen chia sẻ. “Cả cộng đồng, gia đình tôi đều bị chấn động. Chúng tôi đã sống trong sợ hãi suốt cả năm qua khi tình trạng bạo lực với người châu Á tại Mỹ ngày càng gia tăng”, cô gái gốc Việt nói với Houston Chronicle.
“Nỗi sợ hãi đã dâng cao vì tình trạng gần đây nhưng vụ xả súng này thực sự nguy hiểm, đến mức nó khiến cả cộng đồng của chúng tôi chấn động".
Sau vụ xả súng, mẹ của Nguyen vẫn đi làm hôm 17/3, như mọi khi, nhưng bà và các nhân viên khác đang cảnh giác cao độ: Khóa cửa, bật đèn, đóng mở tiệm theo nhóm, cùng đến và rời khỏi nơi làm việc.
Người biểu tình chống lại nạn kỳ thị người gốc Á. Ảnh: AP. |
Christina Lee - một nhà báo gốc Hàn Quốc đang sống tại thành phố Georgia - cũng cùng tâm trạng với Thu Nguyen khi nghe về vụ xả súng ở Aromatherapy Spa và Gold Spa đêm 16/3.
Lee nghĩ ngay đến người mẹ gốc Việt của mình. “Tôi nghĩ tới mẹ của mình, bà cũng có một tiệm nail", Lee nói với Guardian. Theo lời Lee, các tiệm spa hay nail thường sẽ là những nơi đầu tiên sẵn sàng tiếp nhận người châu Á khi tới định cư tại Mỹ.
Khu vực đại lộ Piedmont tại thành phố Atlanta là nơi xảy ra hai trong số ba vụ xả súng tối 16/3. Đây được biết tới là một khu phố với những tiệm massage và các hộp đêm. Ngoài những phóng viên đang tác nghiệp tại đây, cuộc sống dường như đã trở lại bình thường sau vụ xả súng gây chấn động. Tuy vậy, cư dân ở đây vẫn còn bàng hoàng sau cái chết của bốn người Mỹ gốc Á.
Lee trước đây làm việc trong một văn phòng nằm gần hai tiệm spa nơi xảy ra vụ xả súng, cho đến khi cô phải làm việc ở nhà do các lệnh giãn cách phòng dịch Covid-19. Nữ nhà báo mang nửa dòng máu Việt cảm thấy rất bất ngờ vì vụ xả súng do khu vực này vốn không phải là nơi tập trung đông dân cư có gốc Á.
Cộng đồng người Mỹ gốc Á không phải những nạn nhân duy nhất của những cuộc tấn công có yếu tố sắc tộc tại Mỹ. Yalaba Mendoza là một người Mỹ gốc Phi đang đặt những bó hoa tưởng niệm trước hiện trường của các vụ xả súng.
Yalaba Mendoza đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân của vụ tấn công. Ảnh: Getty Image. |
Đối với Mendoza, một cuộc tấn công nhằm vào cộng đồng người Mỹ gốc Á cũng giống như tấn công nhằm vào tất cả nhóm thiểu số khác tại Mỹ, theo The Guardian.
Cộng đồng người châu Á tại Mỹ
Người châu Á trước đây thường không được quan niệm là một nhóm người thiểu số bị phân biệt đối xử tại Mỹ. Tuy nhiên, trong lịch sử nước Mỹ đã từng có rất nhiều đạo luật phân biệt đối xử nhằm vào cộng đồng này.
Trong Thế chiến II, Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt đã ký sắc lệnh bắt giam hàng chục nghìn người Mỹ gốc Nhật vào trong các trại tập trung trên khắp cả nước vì nghi ngờ làm gián điệp cho phát xít Nhật. Những người này bị giam giữ trong nhiều năm mà không được xét xử.
Làn sóng phân biệt đối xử chống lại người châu Á có chiều hướng suy giảm trong những năm sau đó. Tuy vậy, đại dịch Covid-19, bùng phát đầu tiên ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc đã khiến cho những vụ tấn công nhằm vào người Mỹ gốc Á tăng mạnh trở lại trong năm 2020.
Cộng đồng người châu Á tại Mỹ biểu tình chống phân biệt đối xử. Ảnh: Getty Image. |
Tại quận Cam, bang California, nơi tập trung số lượng lớn các cộng đồng người Việt, các vụ tấn công nhằm vào người châu Á đã tăng 1.200% trong năm 2020, theo số liệu từ Trung tâm Nghiên cứu về Phân biệt sắc tộc (CSUSB).
Theo báo cáo của một tổ chức bảo vệ quyền lợi của những người gốc Á tại Mỹ, trong năm 2020 đã có gần 3.800 vụ tấn công mang tính phân biệt chủng tộc nhằm vào cộng đồng người châu Á tại Mỹ, New York Times đưa tin ngày 17/3.