Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Việc Pháp triệu hồi đại sứ chỉ là ‘phần nổi của tảng băng’

Các nhà phân tích cảnh báo rằng quyết định triệu hồi đại sứ từ Mỹ và Australia - một bước đi mang tính lịch sử của Pháp - không chỉ là một sự trả đũa ngoại giao.

Cựu đại sứ Anh Peter Ricketts cho biết thông báo về thỏa thuận an ninh giữa Australia, Mỹ và Anh, viết tắt là AUKUS, "đã gây rạn nứt lớn trong liên minh NATO" đối với Pháp, theo Guardian.

“Đây không chỉ là một sự trả đũa ngoại giao. Việc triệu hồi đại sứ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”, ông Ricketts, cựu thư ký thường trực tại Bộ Ngoại giao và là cựu đại sứ Anh tại Pháp, chia sẻ với BBC Radio 4’s Today hôm 18/9.

Động thái triệu hồi đại sứ từ Mỹ và Australia của Pháp được đưa ra nhằm phản đối quyết định bất ngờ của Canberra về việc hủy hợp đồng tàu ngầm do Pháp chế tạo và hiệp ước an ninh của nước này với Washington và London.

Hiệp ước này sẽ ảnh hưởng đến vai trò của Pháp và châu Âu ở NATO cũng như mối quan hệ vốn đã căng thẳng của quốc gia này với Anh.

Phản ứng chưa từng có tiền lệ của Pháp

Các quan chức Pháp đã cáo buộc rằng "cách hành xử của Australia, Anh và Mỹ đã phản bội và làm bẽ mặt nước Pháp".

“Pháp có cảm giác về một sự phản bội sâu sắc bởi đây không chỉ là một hợp đồng vũ khí. Đó còn là việc Pháp đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Australia và giờ đây, Australia đã vứt bỏ điều đó. Quốc gia này đã đàm phán với Mỹ và Australia sau lưng Pháp, đồng thời thay đổi hợp đồng”, ông Ricketts cho biết.

“Đối với người Pháp, điều này giống như việc mất hoàn toàn lòng tin với các đồng minh và đặt ra dấu hỏi về mục đích của NATO. Điều này đã gây ra rạn nứt lớn trong liên minh NATO”.

Phap trieu hoi dai su Australia va My anh 1

Ngoại trưởng Pháp mô tả hiệp ước an ninh AUKUS như "một cú đâm sau lưng". Ảnh: AP.

Chính Tổng thống Macron đã trực tiếp ra lệnh trong quyết định triệu hồi đại sứ. Người phát ngôn của Điện Elysée cho biết "mức độ nghiêm trọng" của tình hình đã dẫn đến phản ứng của tổng thống.

“Ngoài câu hỏi về việc vi phạm hợp đồng và những hậu quả của nó, quyết định này còn phản ánh về mối quan hệ liên minh chiến lược. Hành vi như vậy là không thể chấp nhận được giữa các đồng minh”, Điện Elysée cho biết.

Trong một tuyên bố vào tối 17/9, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nhấn mạnh: “Quyết định đặc biệt này là hợp lý do mức độ nghiêm trọng của các thông báo mà Australia và Mỹ đã đưa ra ngày 15/9”.

Paris rất tức giận vì đã mất đi hợp đồng trị giá 90 tỷ AUD (tương đương 65 tỷ USD) mà Australia ký kết với công ty Naval Group của Pháp để chế tạo một hạm đội 12 tàu ngầm tấn công tối tân.

Naval Group cho biết thỏa thuận mua các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân do Mỹ và Anh chế tạo của Canberra, thay vì từ Pháp, là một "sự thất vọng lớn".

Ông Le Drian đã mô tả hiệp ước an ninh ba bên AUKUS - bao gồm cả thỏa thuận tàu ngầm - như một "cú đâm sau lưng".

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã gọi đây là hành vi không thể chấp nhận được giữa các đồng minh và đối tác.

“Hậu quả là việc này ảnh hưởng đến quan niệm về các liên minh, quan hệ đối tác của chúng ta và tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đối với châu Âu”, ông Le Drian nói thêm.

“Tình hình rất đáng quan ngại”

Paris cũng rất tức giận trước những tuyên bố được cho là "thiếu trung thực" từ phía Australia. Thủ tướng Scott Morrison trước đó cho biết Canberra muốn các tàu ngầm hạt nhân “khả năng tự hành tốt hơn và kín đáo hơn so với các tàu ngầm thông thường mà Pháp đề xuất”.

Phía Pháp cho biết họ đã thay đổi thiết kế của các tàu ngầm hạt nhân sang động cơ diesel vì đó là điều mà Australia mong muốn.

Phap trieu hoi dai su Australia va My anh 2

Pháp rất tức giận trước quyết định hủy bỏ hợp đồng mua tàu ngầm của Australia. Ảnh: CNN.

Về quan hệ đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Pháp vốn là một đồng minh tự nhiên với Australia khi có hai lãnh thổ hải ngoại ở khu vực này là French Polynesian và New Caledonia. Pháp cũng là quốc gia châu Âu duy nhất có sự hiện diện trong khu vực này, với gần 2 triệu công dân và hơn 8.000 binh sĩ.

Nathalie Goulet, một thành viên phe đối lập và là phó chủ tịch Ủy ban Đối ngoại, Quốc phòng và Lực lượng Vũ trang Sénat của Pháp, cho biết tình hình "rất đáng quan ngại".

“Ai đó lẽ ra phải cảnh báo trước khi sự vi phạm hợp đồng xảy ra", bà cho biết.

“Đó là một thất bại đối với một ngành công nghiệp, tình báo và truyền thông, đồng thời là một sự sỉ nhục công khai… Không ai thích bị sỉ nhục, kể cả người Pháp”, bà cho biết thêm.

Đây là lần đầu tiên Pháp triệu hồi một đại sứ Mỹ. Hai nước đã là đồng minh kể từ cuộc chiến tranh giành độc lập của Mỹ. Pháp cũng đã hủy tiệc chiêu đãi dự kiến được tổ chức vào ngày 18/9 để kỷ niệm Trận chiến Chesapeake - một sự kiện giúp Mỹ giành độc lập.

Một quan chức Nhà Trắng nói với Reuters rằng Mỹ lấy làm tiếc về quyết định của Pháp và cho biết Washington đã liên hệ chặt chẽ với Paris. Quan chức này cho biết Mỹ sẽ tham gia giải quyết những bất đồng giữa hai nước trong những ngày tới.

Một nguồn tin ngoại giao Pháp cho biết hôm 17/9 rằng trong trường hợp này, Anh đã hành động một cách thực dụng.

Bộ trưởng Ngoại giao Australia, Marise Payne, cho biết bà hiểu “sự thất vọng” của Paris. Bà hy vọng làm việc với Pháp để đảm bảo rằng quốc gia này hiểu “giá trị mà chúng tôi đặt ra đối với mối quan hệ song phương và công việc mà chúng tôi muốn tiếp tục thực hiện cùng nhau".

Mỹ tìm cách trấn an sau phản ứng chưa từng có của Pháp

Mỹ đề xuất trao đổi với Pháp về những bất đồng liên quan tới các thỏa thuận về tàu ngầm giữa hai quốc gia này và Australia trong cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tuần tới.

Pháp triệu hồi đại sứ từ Mỹ và Australia

Đại sứ Pháp tại Mỹ và Australia được triệu hồi về nước để tham vấn sau khi hiệp ước an ninh mới giữa Mỹ, Anh, Australia được công bố và Canberra bất ngờ hủy bỏ hợp đồng tàu ngầm.

Vân Đinh

Guardian

Bạn có thể quan tâm