Trao đổi với Zing, ông Phạm Hoàng Nam, Chánh Thanh tra tỉnh Kiên Giang, cho biết báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về xử lý sai phạm đất đai theo kết luận của Thanh tra Chính phủ để gửi Chủ tịch tỉnh theo tiến độ, không gửi Tỉnh ủy.
"Việc kiểm điểm cán bộ là thực hiện dài dài chứ không phải kết thúc vào tháng 7/2020. Do đó, các ngành kiểm điểm tới đâu tôi báo cáo kết quả tới đó theo tiến độ hàng tháng”, ông Nam nói.
Một thửa đất được đầu tư cơ sở hạ tầng để phân lô bán nền trong giai đoạn sốt giá đất ở Phú Quốc. Ảnh: Việt Tường. |
Ông Nam cho biết việc kiểm điểm trách nhiệm UBND tỉnh giao cho Sở Nội vụ tham mưu, Thanh tra tỉnh chỉ tổng hợp. Cục Thuế, Sở Tài chính thu tiền khắc phục sai phạm tới đâu làm báo cáo gửi về Thanh tra tỉnh tới đó.
Theo báo cáo, ngoài UBND tỉnh Kiên Giang, 22 đơn vị khác phải tổ chức kiểm điểm, xử lý cán bộ sai phạm. Đến nay, 9 đơn vị báo cáo kết quả, số còn lại đang thực hiện.
Ngoài 2 cựu chủ tịch, 6 cán bộ là nguyên phó chủ tịch còn có 6 thành viên UBND tỉnh giai đoạn 2011-2017 phải kiểm điểm rút kinh nghiệm. 40 cán bộ bị kiểm điểm rút kinh nghiệm còn lại là công chức tại các sở, ngành, UBND huyện Hòn Đất, Kiên Lương, Châu Thành, Giồng Riềng.
Riêng huyện Phú Quốc có 21 cán bộ bị kiểm điểm rút kinh nghiệm, 5 cá nhân kỷ luật cảnh cáo và 11 người nhận kỷ luật khiển trách.
Khách sạn hình con tàu lớn nhất Phú Quốc là công trình xây dựng sai phép, bị cắt tầng. Ảnh: Việt Tường. |
Trao đổi với Zing trước đó, bà Đặng Tuyết Em, Phó bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, cho biết sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, tỉnh Kiên Giang xây dựng kế hoạch thực hiện theo. Các cơ quan, đơn vị và địa phương bám vào kế hoạch này để kiểm điểm, xử cán bộ liên quan.
"Sau khi tập hợp kết quả xử lý của các cơ quan, đơn vị, Thanh tra tỉnh sẽ báo cáo Thanh tra Chính phủ và Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Nếu Thanh tra Chính phủ có báo cáo này thì tỉnh đợi Trung ương chỉ đạo thêm", bà nói.