Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Việc đọc sách của giới trẻ không đáng lo ngại'

Khi mà các phương tiện truyền thông nhắc nhiều đến văn hóa đọc, các chuyên gia, các giáo sư trong những bài phát biểu thường nói văn hóa đọc trong giới trẻ đang xuống cấp.

Hiện nay có vô vàn khái niệm văn hóa. Từ văn hóa phi vật thể, văn hóa vật thể (những khái niệm được công nhận) cho đến văn hóa đọc, văn hóa nghe nhìn. Những thứ bị cấm thì khoác theo từ “văn hóa phẩm đồi trụy”.

Những khái niệm to lớn và phức tạp, chúng ta đặt ra và vô tình đẩy các vấn đề vào thế rối rắm. Một người đọc sách lâu năm hay mới đọc, một tác giả hay độc giả, cũng không thể tự tin mà nói mình hiểu và đạt những chuẩn mực của văn hóa đọc. Vậy làm thế nào để biết văn hóa ấy có đang xuống cấp hay không?

Đừng nghĩ đọc sách là chuyện quá lớn lao

Nhà văn Đặng Nguyễn Đông Vy - đồng tác giả có sách bán chạy nhất năm 2013 -  Nếu biết trăm năm là hữu hạn, đã có những trao đổi quanh nhận định văn hóa đọc của giới trẻ.

Nữ tác giả thẳng thắn: “Từ văn hóa đọc trên báo chí thật tình tôi không hiểu lắm. Văn hóa đọc là gì? Với tôi, đọc sách bên cạnh tìm kiếm kiến thức thì có một chức năng nữa đó là… giải trí. Có thể nói tôi đọc sách nhiều nhất là giai đoạn mà tôi chưa hiểu sách có vai trò lớn lao với cuộc đời, chỉ đơn thuần là một thú vui thôi. Thời đó chúng tôi không có nhiều trò giải trí như bây giờ. Và riêng với sách cũng có nhiều chọn lựa hơn chúng tôi. Tôi ghen tị với họ về điều đó.

Nhà văn Đặng Nguyễn Đông Vy đang kí tặng sách.
Nhà văn Đặng Nguyễn Đông Vy đang ký tặng sách.

Độc giả luôn có lựa chọn riêng của họ. Họ sẽ hưởng thụ lợi ích và cả những thiệt thòi của việc đó. Có thể có nhiều bạn trẻ đọc sách nhưng chưa định hướng được thể loại mình thích, thấy người khác đọc gì nhiều thì đọc theo, hoặc đọc một cái gì đó thì say mê đến quên cả đời sống thực tế bên ngoài. Nhiều và nhiều những trường hợp như vậy. Đôi khi, những việc đó tạo một cái nhìn không mấy thiện cảm cho việc đọc của giới trẻ.

Nhiều bạn trẻ tham gia các gian hàng trong hội sách Thành phố.
Nhiều bạn trẻ tham gia các gian hàng trong hội sách thành phố.

Nhưng vậy thì có sao đâu. Tôi thấy không vấn đề gì. Đọc là việc riêng tư, cá nhân. Thật ra tôi cũng có thời đắm chìm vào những cuốn sách phi thực tế. Nhưng đôi khi tôi cho là nhờ đó tôi trở nên bay bổng và mẫn cảm hơn khi trở lại với đời thực.

Một cô gái chăm chú đọc sách tại ngày hội.

Chúng ta đọc theo nhu cầu bản thân và điều chỉnh việc đọc cũng theo nhu cầu bản thân. Nếu hiện tại nhu cầu của các bạn giống nhau thì các bạn đọc sách giống nhau thôi. Sau này có thể sẽ thay đổi, khi các bạn nhận ra rằng mình là một cá thể độc đáo không giống với người khác”.

Nhìn vào ý nghĩa, đừng đem thế hệ ra so sánh

Chuyện các nhà xuất bản chọn sách gì để phổ biến, các bạn trẻ chọn sách gì để đọc đôi khi cũng vấp phải nhiều tranh luận. Như việc Nhà xuất bản Trẻ không chọn làm sách ngôn tình cũng được độc giả đặt một dấu hỏi lớn. Tất nhiên, việc những nhà xuất bản chọn làm sách gì là quyền của họ, nhưng ở một góc nào đó, có chút ít sự phân biệt thị hiếu người đọc ở đây.

"Dù là Người yêu cũ có người yêu mới hay Iliad thì đều có quyền bình đẳng trước nhu cầu khát khao tri thức của người đọc. Không có văn học giả tạo, vì thời gian sẽ trả lời cho giá trị trường tồn của sách. Sách làm nhiệm vụ nuôi dưỡng tâm hồn, khơi nguồn tri thức", anh Giang Ngọc Phương, TP.HCM.

Mỗi thế hệ có cách cảm thụ và nhìn nhận văn học khác nhau nên không thể đánh đồng các định nghĩa cũng như thị hiếu đọc sách.

“Không phải xem coi một dòng sách nào đó hời hợt, văn hóa đọc gì đó có xuống cấp hay không mà phải nhìn vào ý nghĩa của việc đọc đối với từng thế hệ. Có thể ở thế hệ này, một thể loại được xem là bình thường, không có giá trị nhưng với thế hệ khác thì nó là thế giới quan của họ, đồng cảm được thì đọc. Giá trị của một tác phẩm phụ thuộc vào ý nghĩa của nó với người đọc nên không có định nghĩa về hời hợt hay sâu sắc. Nếu ép mình đọc những thứ sâu sắc mà không hiểu gì cũng mất thời gian thôi. Còn nếu đọc mà không hiểu thì sẽ dẫn đến nhìn nhận sai lầm giá trị của tác phẩm, như vậy cũng không tốt cho lắm”, bạn Trúc Ngân (TP.HCM) thẳng thắn nói.

Độc giả trẻ Trúc Ngân.

Người đọc có quyền lựa chọn phong cách đọc cho riêng mình nhưng phải tỉnh táo sàng lọc nó và có trách nhiệm với những gì mình đã đọc. Không thể nói một cái gì đó xuống cấp khi mà chúng ta chưa biết góc độ nhìn nhận của chuẩn mực từ đâu.

Nhà văn Đặng Nguyễn Đông Vy chia sẻ “10 quyền của độc giả” theo Daniel Pennac mà cô rất tâm đắc.

Mỗi độc giả cần hiểu rằng mình có những quyền sau

1. Quyền… không đọc

2. Quyền đọc nhảy cóc

3. Quyền... không đọc hết một cuốn sách

4. Quyền đọc lại

5. Quyền đọc bất cứ thứ gì

6. Quyền nhầm lẫn sách với đời thật

7. Quyền đọc ở bất cứ đâu

8. Quyền đắm mình vào một cuốn sách

9. Quyền đọc lớn tiếng

10. Quyền đọc trong thinh lặng

Phan Nhi

Bạn có thể quan tâm