Bù nước và nghỉ ngơi là những việc cần làm ngay khi ngộ độc thực phẩm. Ảnh: The New York Times. |
Ngộ độc thực phẩm là tình trạng bệnh lý có thể gây buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy. Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm là chúng ta ăn phải thực phẩm có chứa một loại vi trùng như vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng.
Theo tiến sĩ, dược sĩ Nguyễn Trang Thúy, Đại học Y Hà Nội, một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của ngộ độc thực phẩm là norovirus, vi khuẩn Salmonella và E. coli. Trong khi đó, ký sinh trùng gây ngộ độc thực phẩm thường bao gồm những con giun nhỏ chúng ta có thể gặp ở một số quốc gia.
Vị chuyên gia cho hay các loại vi trùng này có thể xâm nhập vào thực phẩm trong một số trường hợp như:
Việc sử dụng một chiếc thớt duy nhất cũng là nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm. Ảnh minh họa: Healthline. |
- Người mắc bệnh lây vi trùng sang thức ăn họ nấu nếu không rửa tay trước khi sơ chế, chế biến.
- Vi trùng có thể sống trong hoặc trên bề mặt thức ăn nếu thực phẩm không được rửa sạch hoặc nấu chín kỹ, từ đó lây nhiễm sang người.
- Vi trùng từ thức ăn này xâm nhập vào thức ăn khác: Điều này có thể xảy ra khi chúng ta sử dụng cùng một chiếc thớt hoặc dao để chế biến các loại thực phẩm khác nhau.
Triệu chứng ngộ độc thực phẩm
“Các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra ngay sau khi chúng ta ăn thức ăn, hoặc một số trường hợp, vài ngày, thậm chí vài tuần sau đó”, TS Thúy nói. Các triệu chứng thường bao gồm:
- Buồn nôn hoặc nôn
- Đau bụng
- Tiêu chảy có thể có nước hoặc máu
- Sốt.
Ngoài ra, vị chuyên gia thông tin thêm một số triệu chứng khác ít phổ biến có thể biểu hiện trên hệ thần kinh như nhìn mờ hoặc cảm giác chóng mặt.
Việc cần làm khi ngộ độc thực phẩm
Theo TS Thúy, người bệnh và gia đình nên thực hiện ngay một số cách sau để tạo cảm giác dễ chịu hơn sau khi xuất hiện các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm:
- Uống đủ nước hoặc các loại chất lỏng, từ đó giúp cơ thể không bị mất nước - tình trạng xảy ra khi nôn, tiêu chảy quá nhiều
- Ăn các bữa nhỏ không có nhiều chất béo
- Nghỉ ngơi nếu cảm thấy mệt mỏi.
Bù nước có thể giúp chúng ta dễ chịu hơn, đồng thời giảm nguy cơ sau khi ngộ độc thực phẩm. Ảnh: piotr_chrobot. |
Trong một số trường hợp diễn biến nặng, vị chuyên gia khuyến cáo người dân nên đi khám tại các cơ sở y tế. Cụ thể, các triệu chứng nặng bao gồm:
- Đi ngoài nhiều hơn 6 lần trong 24 giờ
- Xuất hiện máu trong chất nôn hoặc phân
- Sốt cao hơn 38,5 độ C và không hết sốt sau một ngày
- Đau bụng dữ dội
- Trên 70 tuổi
- Cơ thể mất quá nhiều nước (tình trạng mất nước). Các dấu hiệu của mất nước bao gồm: Đi ngoài ra nhiều nước; cảm thấy rất mệt mỏi; khát nước; khô miệng hoặc lưỡi; chuột rút cơ bắp; chóng mặt; cảm thấy lo lắng, hoang mang; nước tiểu có màu vàng sậm hoặc không đi tiểu được trong hơn 5 giờ.
“Trẻ nhỏ và người lớn tuổi khi có các triệu chứng trên nên đến gặp bác sĩ ngay bởi những nhóm tuổi này rất dễ gặp tình trạng mất nước, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe”, TS Thúy nhấn mạnh.
Điều trị ngộ độc thực phẩm
Sau khi tới bệnh viện, nhiều bệnh nhân có thể không cần phải làm xét nghiệm. Tuy nhiên, một số bác sĩ có thể sẽ chỉ định làm các xét nghiệm để kiểm tra xem có tình trạng mất nước hay không hoặc tìm ra loại vi trùng gây ra ngộ độc thực phẩm.
Các loại xét nghiệm thường thấy với bệnh nhân ngộ độc thực phẩm là xét nghiệm máu và xét nghiệm mẫu phân.
Liên quan quá trình điều trị, đa phần bệnh nhân ngộ độc thực phẩm không cần tới các can thiệp y tế. Nguyên nhân là hầu hết triệu chứng sẽ tự thuyên giảm. Tuy nhiên, tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân, các bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp điều trị cơ bản gồm:
- Truyền dịch: Những người bị tiêu chảy hoặc nôn nhiều có thể cần truyền dịch qua đường tĩnh mạch để điều trị hoặc ngăn ngừa tình trạng mất nước.
- Thuốc kháng sinh: Chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh nhằm mục đích điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân không cần dùng kháng sinh, ngay cả khi bị nhiễm trùng do vi khuẩn.
“Trong một số trường hợp cụ thể, bệnh nhân bị ốm kèm theo sốt và đi ngoài ra máu, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh để đẩy nhanh tốc độ khỏi bệnh”, vị chuyên gia cho hay.
Ngoài ra, một số bệnh nhân cũng cần dùng thuốc chống tiêu chảy. Các thuốc này bao gồm loperamide, diphenoxylate-atropine và bismuth subsalicylate. Tuy nhiên, TS Thúy nhấn mạnh người dân không nên tự ý dùng loperamide hoặc diphenoxylate-atropine, nhất là trường hợp bị sốt hoặc đi ngoài ra máu.
“Ngoài ra, dùng quá nhiều loperamide có thể khiến chúng ta gặp các tác dụng phụ trên tim mạch. Do đó, nếu có bệnh lý nền hoặc đang dùng các loại thuốc khác, mọi người cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng loại thuốc này”, vị chuyên gia khuyến cáo.
Mặt khác, đối với tất cả các loại thuốc nói trên, TS Thúy lưu ý điều quan trọng là không được dùng liều cao hơn liều khuyến cáo của nhà sản xuất. Đồng thời tránh cho trẻ em uống thuốc chống tiêu chảy.
Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm
TS Nguyễn Trang Thúy cho hay trong quá trình ăn uống hàng ngày, mỗi người dân có thể làm giảm nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm hoặc lây lan vi trùng gây ngộ độc thực phẩm bằng cách:
- Rửa tay sau khi thay tã, đi vệ sinh, hỉ mũi, chạm vào động vật hoặc đổ rác
- Nghỉ làm hoặc nghỉ học ở nhà cho đến khi cảm thấy khỏe hơn (nếu đang bị ngộ độc)
- Không uống sữa chưa tiệt trùng hoặc thực phẩm làm từ sữa
- Rửa sạch trái cây và rau quả trước khi ăn
- Giữ tủ lạnh ở nhiệt độ thấp hơn 4,4 độ C và ngăn cấp đông (ngăn đá) dưới âm 18 độ C
- Nấu thịt và hải sản cho đến khi chín
- Nấu trứng cho đến khi lòng đỏ cứng lại
- Rửa tay, dao và thớt sau khi chạm vào thực phẩm sống.