Trong nhiệm vụ lặn cuối cùng của mình trong năm nay, nhóm thám hiểm đại dương Nautilus đã phát hiện xác của một con cá voi đang phân hủy dưới biển. Video truyền trực tiếp của nhóm Nautilus bỗng thu hút rất nhiều người xem nhờ chính sinh vật này.
Sau khi chết, xác con cá voi phân hủy và trở thành thức ăn cho nhiều sinh vật khác dưới biển. Hiện tượng cá voi chết, xác chìm xuống đáy biển ở độ sâu hơn 1.000 m được gọi là "whale fall".
Với kích thước khổng lồ so với đa số sinh vật biển, xác một con cá voi có thể trở thành cả một hệ sinh thái cho hàng nghìn sinh vật khác.
Nhóm thám hiểm tiếp cận xác con cá voi nằm dưới đáy đại dương. |
Sau khi camera hướng về phía xác con cá voi, lượng người xem livestream của Nautilus tăng vọt. Theo The Verge, lượng người xem đã đạt kỷ lục của kênh này khi họ tiến sát tới con cá.
Nhóm thám hiểm đã nhận yêu cầu chiếu kỹ hơn hình ảnh xác con cá voi, và hình ảnh họ truyền lại cho thấy những sinh vật ít gặp như sâu ăn xương Osedax.
Sự xuất hiện của con tàu lặn và máy quay không khiến các sinh vật ở đây lo lắng. Một con bạch tuộc thậm chí còn bám lấy máy quay của nhóm Nautilus. "Tôi nghĩ con bạch tuộc này đang cố tình chen vào khung hình của chúng ta đây", thành viên tổ thám hiểm bình luận. Người này sau đó giải thích chi tiết cách bạch tuộc sinh sản.
Trong quá trình quay phim, họ đã ghi lại cảnh rất nhiều sinh vật tới và ăn xác con cá voi. |
Tuy nhóm thám hiểm không bình luận về thời gian con cá voi phân hủy, một người xem tự nhận mình là "người làm khoa học" phỏng đoán con cá voi có thể đã chết khoảng 4 tháng, dựa trên những gì còn sót lại.
"Thật là một khám phá thú vị khi sắp đến ngày Halloween", một thành viên trong đội thám hiểm nhận xét.
Nautilus là nhóm thám hiểm đại dương do tiến sĩ Robert Ballard chỉ đạo. Ông Ballard được biết đến nhờ tìm được xác tàu đắm Titanic vào năm 1985. Ông cũng từng chỉ đạo tìm kiếm nhiều con tàu quan trọng khác trong lịch sử.
Lần phát hiện xác cá voi là chuyến lặn cuối cùng của Nautilus trong năm nay. Họ đã khám phá vùng biển phía tây nước Mỹ từ tháng 5.