Hội nghị này được tổ chức bởi nhóm thân TT Trump, American Priority, ở một khu nghỉ dưỡng của tổng thống tại Miami vào tuần trước. Đoạn phim được một người tham dự gửi cho New York Times.
Một số nhân vật thân cận với tổng thống như con trai ông, Donald Trump Jr., cựu phát ngôn viên Sarah Huckabee Sanders, và Thống đốc Florida Ron DeSantis có trong danh sách khách mời phát biểu, nhưng họ đều nói không biết về video này.
Hình ảnh bạo lực
Video có logo chiến dịch tái tranh cử của tổng thống. Đoạn bạo lực nhất “chế” hình một người đàn ông, có đầu được thay bằng hình Tổng thống Trump, vào nhà thờ rồi xả súng vào các tín đồ có mặt được thay bằng những người chỉ trích ông hoặc logo các báo đài lớn ở Mỹ.
Theo New York Times, đây dường như là cảnh chế một vụ thảm sát nhà thờ từ phim hài Kingsman: The Secret Service.
Các tín đồ có mặt tại nhà thờ, sắp bị “Trump” xả súng, được thay bằng mặt của những người chỉ trích ông hoặc logo các báo đài lớn ở Mỹ. Ảnh: YouTube. |
Trong video, ông “Trump”, mặc suit đen và cà vạt, bước vào nhà thờ, rồi dừng lại ở giữa, bắt đầu xả súng, ngắm bắn cả những tín đồ đang chạy thoát (đầu của họ được thay bằng logo các đài PBS, NPR, Politico, Washington Post và NBC).
Thậm chí, “Trump” bắn vào đầu của nhóm Black Lives Matter (phong trào biểu tình đòi công lý cho nạn nhân da đen chết dưới tay cảnh sát).
Một số người trong nhà thờ cố khống chế “Trump”, nhưng “Trump” chống cự được và bước lên trước bàn lễ. Sau đó ông lại vật ngã “Vice News” rồi bắn chết nạn nhân tại chỗ. Đằng xa, người có khuôn mặt của James Comey, cựu giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang chạy trốn.
"Tiêu diệt" một loạt đối thủ chính trị
Sau đó, “Trump” tiếp tục đánh vào gáy của “John McCain”, Thượng nghị sĩ quá cố của bang Arizona và là người thường chỉ trích tổng thống. Ông tiếp tục đấm vào mặt “Rosie O’Donnell” và đâm dao vào đầu của bà. Ông châm lửa đốt cháy đầu của “Bernie Sanders”, Thượng nghị sĩ và là đối thủ nặng ký trong cuộc tranh cử 2020. Ông đánh “Maxine Waters”, Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ của bang California.
Ông cũng bắt nhân vật có khuôn mặt của Mitt Romney, Thượng nghị sĩ bang Utah từng chỉ trích ông Trump, làm con tin trước khi vật nạn nhân xuống đất. “Trump” còn đánh vào gáy của cựu tổng thống Barack Obama và ném ông vào tường.
Cảnh từ video chế, trong đó người có khuôn mặt được thay bằng ông Trump mỉm cười đắc thắng sau khi thảm sát báo chí, đối thủ. Ảnh: New York Times. |
Video chế này đã bị chỉ trích dữ dội, với các lời kêu gọi đích thân Tổng thống Trump cần lên án video.
Đây là sự lặp lại của một video chính ông Trump tweet vào tháng 7/2017, trong đó ông quật ngã một người có logo của đài CNN trên đầu. Sau đó, ông bị chỉ trích dữ dội vì khuyến khích bạo lực nhắm vào phóng viên, nhưng video vẫn được các fan của tổng thống chia sẻ rộng rãi.
Chiến dịch tranh cử của ông Trump nói họ không tạo ra video, không dung túng cho bạo lực và tổng thống không biết gì về video này.
Theo New York Times, trong cả chiến dịch tranh cử 2016 và nhiệm kỳ tổng thống, ông Trump luôn bôi nhọ báo chí, truyền thông, một phần vì báo chí đã phanh phui nhiều bê bối trong chính quyền và một phần vì ông luôn cần có một đối thủ để công kích.
Ông cũng cố gắng làm lung lay niềm tin của dư luận vào báo chí chính thống, để khiến người dân nghi ngờ tính chính xác của các thông tin bất lợi cho ông. Đây là điều mà chính các cố vấn của ông đã thừa nhận.