Trong đoạn video đang thu hút hàng triệu lượt xem, hai cảnh sát Ấn Độ dùng dụng cụ giống như gậy bóng chày liên tục đánh vào người của nhóm đàn ông tín đồ Hồi giáo. Sau mỗi lần vung gậy, tiếng va chạm vang lên rất rõ, đi kèm tiếng la hét của người bị đánh.
"Đau, đau quá, đừng đánh nữa", một vài người trong nhóm bị đánh hét lên, họ co rúm người sợ hãi, nép sát vào bức tường sau lưng.
Trong khi đang bị đánh, một người đàn ông mặc áo phông màu xanh chắp tay như đang cầu khấn. Một người khác mặc áo dài tay màu trắng giơ cao tay lên trời, làm động tác giống như đầu hàng. Người này được xác định tên là Saif, theo BBC.
Cảnh sát dùng gậy đánh liên tiếp vào nhóm người bị bắt. Ảnh: BBC. |
Chuyện gì đã xảy ra?
Nhóm đàn ông bị đánh đập nằm trong số hàng chục tín đồ Hồi giáo bị cảnh sát vây bắt tại Ấn Độ tuần trước.
Vụ việc xảy ra sau khi hàng nghìn tín đồ tập trung bên ngoài thánh đường Hồi giáo ở thành phố Saharanpur, bang Uttar Pradesh, sau buổi cầu nguyện hôm 10/6, hưởng ứng cuộc biểu tình trên toàn quốc của người Hồi giáo phản đối đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền.
Trước đó, người phát ngôn đảng BJP, bà Nupur Sharma, có phát biểu bị cáo buộc là xúc phạm đạo Hồi và Nhà tiên tri Mohammed.
Đối mặt sự giận dữ của cộng đồng người Hồi giáo cả nước, đảng BJP đã đình chỉ chức vụ của bà Nupur, tuyên bố đảng này phản đối việc xúc phạm bất cứ tôn giáo nào.
Cuộc biểu tình tại thành phố Saharanpur hầu như diễn ra ôn hòa. Dòng người biểu tình tuần hành từ thánh đường Hồi giáo qua khu mua sắm của thành phố.
Cảnh sát trấn áp người biểu tình hôm 10/6. Ảnh: PTI. |
Tuy nhiên sau đó, căng thẳng bắt đầu nổ ra, một số cửa hàng thuộc sở hữu của người theo đạo Hindu bị tấn công, hai thương nhân bị thương nhẹ. Nhà chức trách Ấn Độ phải dùng dùi cui để trấn áp một số đối tượng quá khích.
Theo tài liệu của cảnh sát, Saif cùng hàng chục người biểu tình đã có hành động bạo loạn, kích động bạo lực, làm bị thương nhân viên công vụ, gây nguy hiểm cho tính mạng người khác, và một số cáo buộc khác.
Gia đình của Saif cho biết thanh niên này bị oan và thậm chí không tham gia cuộc biểu tình hôm đó.
Gia đình nói rằng Saif rời nhà lúc 17h ngày 10/6 để đặt vé xe buýt cho một người bạn, sau đó thanh niên này bị cảnh sát bắt giữ và đưa đến đồn cảnh sát Kothwali ở Saharanpur.
Zeba là chị gái của Saif. Khi cô đến thăm em trai, người phụ nữ nhìn thấy những vết bầm tím trên cơ thể Saif.
"Saif bầm tím khắp người vì bị đánh, em tôi thậm chí không thể ngồi được", Zeba cho biết.
Đoạn video cảnh sát đánh đập nhóm thanh niên sau đó được Shalabh Tripathi, một quan chức của đảng BJP, chia sẻ trên mạng xã hội với lời bình "trả lại món quà cho những kẻ nổi loạn".
Tripathi là cựu cố vấn truyền thông cho Yogi Adityanath - người hiện đứng đầu cơ quan tài chính của bang Uttar Pradesh.
Trước hình ảnh vụ bạo lực từ phía cảnh sát, chưa quan chức chính phủ nào thuộc đảng BJP lên tiếng. Các thành viên của đảng BJP cũng đang giữ im lặng.
Hiện chưa nhân viên cảnh sát nào bị xử lý liên quan video về hình ảnh bạo lực với người biểu tình.
Người Hồi giáo bị phân biệt đối xử?
Các nhóm hoạt động nhân quyền cho biết không khí thù địch ngày càng tăng lên trong xã hội Ấn Độ. Cộng đồng Hồi giáo thiểu số đang trở thành nạn nhân của các diễn ngôn thù ghét.
Gia đình một số người bị bắt hôm 10/6 cho biết thân nhân của họ bị đánh trong đồn cảnh sát Kothwali ở thành phố Saharanpur. Các nạn nhân được nhận diện qua video.
Một đoạn video khác cho thấy nhóm đàn ông bị đưa vào xe bán tải trước khi được chuyển tới một địa điểm khác. Trong đoạn video này, có thể nhận diện rõ biển tên đồn cảnh sát Kothwali.
Trong báo cáo, nhà chức trách cảnh sát cũng nhắc tới đồn Kothwali. Tuy nhiên, đầu tuần qua, cảnh sát tuyên bố vụ việc không xảy ra tại đồn này.
"Đang có 2-3 video lưu hành trên mạng xã hội, nhưng không vụ việc nào như thế xảy ra ở Saharanpur. Nếu xem đoạn video với tốc độ chậm, bạn sẽ thấy tên của một quận khác trong video", Akash Tomar, một sĩ quan cảnh sát của Saharanpur, nói.
Một số gia đình cho hay người thân của họ bị cảnh sát bắt khi đến đồn Kothwali để tìm hiểu tình hình.
Fahmida là mẹ của Subhan, một thanh niên 19 tuổi. Bà cho hay Subhan bị bắt khi đến đồn cảnh sát để tìm một người bạn. Trong đoạn video, Subhan mặc quần áo màu vàng bị đánh gục xuống nền đất.
Gia đình cho biết Subhan thậm chí không đến thánh đường hôm 10/6, vì thế không có chuyện người này tham gia biểu tình. "Con tôi bị đánh đập không thương tiếc", bà Fahmida nói.
Tổng cộng, 84 người bị bắt với cáo buộc có hành vi bạo lực trong cuộc biểu tình hôm 10/6.
Những ngày qua, cảnh sát bắt đầu tỏa ra khắp thành phố Saharanpur, sử dụng máy ủi để phá dỡ nhà của một số người Hồi giáo bị cáo buộc kích động bạo lực.
Nhà chức trách thành phố Saharanpur phá dỡ nhà của người bị cáo buộc có hành vi bạo lực. Ảnh: BBC. |
Tại Ấn Độ, hàng chục triệu người sống trong các ngôi nhà ổ chuột không có giấy phép quy hoạch phù hợp. Tuy nhiên, từ khi BJP lên nắm quyền, chính quyền đẩy mạnh phá dỡ những ngôi nhà này.
Lệnh phá dỡ nhà xây dựng trái phép thuộc về những người bị buộc tội trong cuộc biểu tình hôm 10/6 đã được lãnh đạo bang Uttar Pradesh thông qua.
Lãnh đạo cơ quan tài chính bang, ông Yogi Adityanath, nói rằng chính quyền sẽ tiếp tục dùng cách thức phá dỡ nhà để trừng trị nhưng người vi phạm pháp luật.
Hôm 11/6, cảnh sát đưa máy xúc tới nhà của người phụ nữ tên Muskaan và bắt đầu phá cổng. Nhân viên công vụ tra hỏi gia đình Muskaan có phải em trai 17 tuổi của cô sống ở đây không. Thanh niên này bị tống giam một ngày trước đó.
"Cha tôi nói đúng là thằng bé, và hỏi cảnh sát chuyện gì đã xảy ra. Cảnh sát không trả lời và dùng máy ủi phá nhà tôi", Muskaan nói.
Một nhóm các chuyên gia pháp lý hàng đầu của Ấn Độ, trong đó có các cựu thẩm phán và luật sư danh tiếng, đã nộp đơn khiếu nại hành vi bạo lực và phá dỡ nhà không chính đáng của cảnh sát lên Tòa án Tối cao.
Đơn khiếu nại cáo buộc ông Aditynath, quan chức bang Uttar Prasdesh, cổ xúy cảnh sát "tra tấn trái phép, tàn bạo người biểu tình", cho rằng những hành động vừa qua của cảnh sát làm "chấn động lương tri của dân tộc".
"Hành động đàn áp tàn bạo như vậy là hành vi chà đạp lên nguyên tắc thượng tôn pháp luật không thể chấp nhận được, xâm phạm quyền của công dân, nhạo báng Hiến pháp và các quyền cơ bản được nhà nước bảo vệ", nhóm chuyên gia pháp lý cáo buộc.