Tháng 10/2020, một nhà sưu tập nghệ thuật ở bang Miami, Mỹ, Pablo Rodriguez-Fraile, đã chi gần 67.000 USD cho một video dài 10 giây mà đáng lẽ anh có thể xem trực tuyến miễn phí.
Theo hãng tin Reuters, người này vừa bán lại tác phẩm trên với giá 6,6 triệu USD.
Đó là video của nghệ sĩ kỹ thuật số Beeple, tên thật là Mike Winkelmann. Trong clip là hình ảnh một Donald Trump khổng lồ đang nằm gục trên mặt đất, cơ thể của ông được bao phủ bởi các khẩu hiệu khác nhau và mọi người xung quanh đang qua lại một cách bình thản như không hề để tâm đến.
Điểm đặc biệt của tác phẩm này là nó được chứng nhận quyền sở hữu bằng công nghệ blockchain, một dạng chữ ký điện tử trên phiên bản gốc.
Một phần đoạn clip 10 giây có giá 6,6 triệu USD. Ảnh: The Financial Express. |
Blockchain là một loại tài sản kỹ thuật số mới nổi, còn được biết đến với tên gọi token mã hoá không thể thay thế (NFT) hay dễ hiểu hơn là những tài sản độc nhất vô nhị, được mua bán trên Internet.
NFT có thể là bất cứ thứ gì từ các tác phẩm nghệ thuật, thẻ thể thao cho đến các mảnh đất ảo hay cũng có thể chỉ là quyền sử dụng độc quyền tên của một ví tiền điện tử nào đó, giống như việc cạnh tranh tên miền trong những ngày đầu của Internet.
Hình thức này đặc biệt phổ biến trong thời kỳ đại dịch, khi những người đam mê và nhà đầu tư tranh nhau chi những khoản tiền khổng lồ cho các mặt hàng vốn chỉ tồn tại trên thế giới ảo.
Các tài sản NFT nói chung và tác phẩm nghệ thuật online nói riêng được xác thực quyền sở hữu công khai trên Internet, từ đó ngăn chặn việc các tác phẩm này bị sao chép, vốn thường xảy ra với kỹ thuật số truyền thống.
Nói một cách khác, người đã mua đoạn video 10 giây này sẽ là chủ sở hữu duy nhất của tác phẩm ở hiện tại và cả trong tương lai.
Doanh thu tăng vọt của thị trường NFT. Ảnh: Reuters. |
OpenSea, thị trường về NFT, cho biết họ đã chứng kiến doanh thu hàng tháng tăng vọt từ 8 triệu USD trong tháng 1/2021 lên 86,3 triệu USD tính đến cuối tháng 2/2021.
Bên cạnh đó, theo dữ liệu trích xuất từ năm 2020, doanh thu trung bình của thị trường rơi vào khoảng 1,5 triệu USD/tháng.
Alex Atallah, đồng sáng lập OpenSea, chia sẻ lý do vì sao NFT thu hút nhiều người đến vậy: “Nếu bạn là người dành 10 giờ mỗi ngày ngồi trước màn hình máy tính, các tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số sẽ có ý nghĩa rất nhiều, bởi vì chúng thể hiện những gì đang diễn ra trên thế giới”.
Tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số được Christie’s đấu giá. Ảnh: TRT World. |
Mới đây, tổ chức Christie’s cũng vừa mở phiên đấu giá cho một tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số đầu tiên của họ. Tác phẩm là sự cắt ghép của 5.000 bức tranh khác nhau, cũng thuộc về nghệ sĩ Beeple, phiên bản tồn tại duy nhất dưới dạng NFT.
Được biết, giá thầu cho tác phẩm này hiện tại đã lên đến 3 triệu USD và dự kiến kết thúc vào ngày 11/3 sắp tới.
“Chúng tôi đang thấy một trường hợp chưa từng có trước đây. Trong 10 phút đấu thầu đầu tiên, chúng tôi có hơn 100 hồ sơ dự thầu và đã đạt mức 1 triệu USD”, Noah Davis, chuyên gia nghệ thuật tại Christie’s cho biết.