Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vị vua triều Nguyễn có 142 người con và thực hư về ‘Minh Mạng thang’

Về cái phúc “con đàn cháu đống” theo quan niệm phương Đông, vua Minh Mạng hẳn có phúc lớn bởi đông con. Hậu thế lý giải việc “sai con” của vua nhờ phương thuốc “Minh Mạng thang".

Tìm trong sử liệu nhà Nguyễn, ta có thể biết những vấn đề, sự việc liên quan đến y học thời vua Minh Mạng. Còn thực tế phương thuốc “Minh Mạng thang” mà bấy lâu dân gian truyền tụng có hay không?

Vị vua sai con nhất nhà Nguyễn

Vua Minh Mạng nối tiếp vua cha Gia Long mà giữ nghiệp nhà Nguyễn. Trong hơn 20 năm trị vì, ông để lại nhiều công nghiệp rực rỡ. Ngoài những dấu ấn của một vị vua sáng, đời tư của Minh Mạng cũng có những điều thú vị. Chẳng hạn như về đường con cái.

Ghi chép trong gia phả hoàng tộc nhà Nguyễn, về con cái của vua Minh Mạng cho ta thống kê ông có 142 người con. Hoàng tộc lược biên viết “Đức Thánh Tổ Nhơn Hoàng đế sanh năm 1791, mất năm 1840. Ngài có 78 hoàng nam và 64 hoàng nữ”. Đồng thời sách ghi chép rõ danh tính 78 người con trai của vua. Trong khi đó Nguyễn Phúc tộc thế phả khi chép về hoàng tử và hoàng nữ của vua có ghi: “Kể cả những người mất sớm (tảo thương), đức Thánh Tổ có 78 hoàng tử và 64 hoàng nữ”. Họ tên của các hoàng tử và hoàng nữ được sách này thống kê cụ thể.

Vua Minh Mang dong con va phuong thuoc Minh Mang thang anh 1

Hoàng tộc lược biên do Tôn nhơn phủ nhà Nguyễn soạn năm 1942. 

Vẫn theo Nguyễn Phúc tộc thế phả, vua Minh Mạng trong đời có nhiều bà vợ với bà phi đầu tiên là bà Hồ Thị Hoa (sau khi mất được phong Tá Thiên Nhân Hoàng hậu). Bà Hoa có với vua người con trai duy nhất là vua Thiệu Trị sau này, sinh con được 13 ngày thì bà mất. Ngoài bà Hoa, vua còn có hai bà phi Ngô Thị Chính (sinh 9 người), Phạm Thị Tuyết (sinh 1 người), 6 bà tần (trong đó bà Huệ tần Trần Thị Huân sinh được tới 15 người), 2 tiệp dư, 7 quý nhân, 2 mỹ nhân, 8 tài nhân, 12 cung nhân, 3 bà Nguyễn Thị Vĩnh, Nguyễn Thị Dược, Lê Thị Tường không thấy ghi xếp vào bậc nào. Bên cạnh đó “còn một số bà khác nhưng không rõ tên và lai lịch”.

Như trên là ghi chép về những người có tên tuổi chính thức được vua ban ơn mưa móc mà sinh hoàng tử hay hoàng nữ. Điều này là dễ hiểu bởi vua có "tam cung, lục viện" chứ đâu chỉ đơn thuần chốn hậu cung có dăm ba bóng hồng. Có năm hạn hán, vua còn cho bớt 100 cung nữ để giải trừ thiên tai, đủ biết hậu cung của vua nhộn nhịp ra sao.

Điều đáng chú ý ở đây là, kể từ dạo có người vợ đầu tiên là bà Hồ Thị Hoa năm Bính Dần (1806) và có người con đầu tiên là Nguyễn Phúc Miên Tông (vua Thiệu Trị) vào năm Đinh Mão (1807) cho đến khi băng hà năm Canh Tý (1840), tức là trong 33 năm, vua Minh Mạng có 142 người con, tuổi thọ của vua tính cả tuổi mụ là 50. Sao vua lại có được nhiều con đến vậy? Trong khi vua cha Gia Long có 31 người con (không tính những người mất sớm), vua Thiệu Trị có 64 người con, vua Tự Đức không có con… Đời sau đã đi tìm lời giải cho việc nhiều con của vua Minh Mạng qua y học với phương thuốc “Minh Mạng thang”.

Có hay không "Minh Mạng thang" trợ lực?

Tìm hiểu qua sách Ngự dược nhật ký trong châu bản triều Nguyễn ta được biết sau khi nhà Nguyễn được lập, năm Canh Ngọ (1810), vua Gia Long đã dựng Thái Y Viện giữ việc chăm lo sức khỏe cho vua và hoàng tộc cùng quan lại.

Khi Minh Mạng ở ngôi, sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ cho hay năm Ất Dậu (1825), vua cho lập miếu tiên y ở bên tả chùa Thiên Mụ và năm Bính Tuất (1826), Thái Y Viện được xây ở phía đông nhà hát Duyệt Thị Đường.

Nhìn nhận về chức năng của Thái Y Viện, vua Minh Mạng chỉ rõ “những sự có quan hệ đến thuốc thang đều giao cho Thái Y Viện cả”. Nếu xem qua các châu bản nhà Nguyễn, trong đó có phần “Ngự dược nhật ký” ta sẽ được thấy những phương thuốc cụ thể được kê để chữa bệnh cho vua Gia Long, Minh Mạng. Những phương thuốc đó, từ Thái Y Viện mà ra.

Riêng việc vua Minh Mạng có được nhiều con, dân gian truyền là nhờ vào phương thuốc “Minh Mạng thang” của Thái Y Viện giúp ông có khả năng “nhất dạ ngũ giao tam hữu dựng” (Một đêm ngủ với năm bà thì ba bà có thai). Thực tế có phương thuốc này hay không? Để tìm hiểu điều đó, chúng tôi tìm đến tác phẩm Vua Minh Mạng với Thái Y Viện và ngự dược, sách này đề cập đến thang thuốc trên với tên gọi là “Minh Mạng phương thang”. Tuy nhiên, sự thực lại không như lời đồn.

Vua Minh Mang dong con va phuong thuoc Minh Mang thang anh 2

Toa thuốc "quy tỳ hoàn gia giảm" của Ngự y triều Nguyễn dâng vua Minh Mạng. 

Theo sách trên cho hay “Minh Mạng phương thang” thực tế “chỉ là cách gọi dân gian của một đơn thuốc có nhiều dị bản do quan ngự y soạn cho vua Minh Mạng dùng để tăng cường sinh lực và có nhiều con; dĩ nhiên xét về mặt ý nghĩa, tên gọi ấy không được chính xác, nhưng đã “quen tai”. Thậm chí vào cuối thập niên 90 thế kỷ trước đã có hẳn nghiên cứu của Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế nghiên cứu về vấn đề này mang tên “Nguồn gốc bài thuốc “Minh Mạng thang” và đề xuất các bài thuốc phù hợp trong sản xuất rượu Minh Mạng”.

Nghiên cứu trên góp phần giải minh cho ngoa truyền của dân gian. Cụ thể ở đây, có nhiều phương thuốc được gọi là “Minh Mạng thang” lưu trữ tại các gia đình hoàng tộc nhà Nguyễn. Mỗi bài thuốc có 12 đến 25 vị thuốc. Trong đó có ba nhóm chủ yếu. Nhóm thứ nhất xuất phát từ bài “Độc hoạt ký sinh thang” của Tôn Tư Mạo. Nhóm hai xuất xứ từ bài “Quy tỳ thang” của Nghiêm Dụng Hòa đời Tống (đơn thuốc này trong châu bản nhà Nguyễn được tìm thấy năm 2015 mang tên là “Quy tỳ hoàn gia giảm” do Thái y viện triều Nguyễn kê đơn cho vua Minh Mạng năm Kỷ Sửu (1829). Nhóm ba do các gia đình ngự y triều Nguyễn lưu, có bài “Lục giao tam dựng”, bài “Ngũ giao tam dựng”, bài “Nhất dạ lục giao sinh ngũ tử”. Điểm chung của ba nhóm là đều có liên quan đến công dụng hoặc trị gan thận suy nhược, hoặc kích dương cho nam giới.

Dù lời đồn có “Minh Mạng thang”, cũng như ngoa truyền vua Minh Mạng rất khỏe nên “nhất dạ ngũ giao tam hữu dựng”, tuy nhiên ứng với thực tế ngày tháng năm sinh của các hoàng tử, hoàng nữ của vua, thì lại không hẳn là như vậy. Kể từ lúc có người con đầu tiên (Miên Tông) năm Đinh Mão (1807) cho đến khi có người con cuối cùng (Phúc Tường) năm Canh Tý (1840), trong 33 năm trung bình một năm vua có hơn 4 người con.

Để lý giải cho việc có nhiều con của vua Minh Mạng khi khả năng cao không có “Minh Mạng thang” trong thực tế, có lẽ Thái Y Viện có những phương thuốc giúp sức khỏe vua được bền tốt.

Đồng thời theo những ghi chép tản mạn còn để lại trong Đại Nam thực lục hoặc Minh Mệnh chính yếu, vua Minh Mạng là vị vua có ý thức trong việc giữ gìn sức khỏe của bản thân. Ngoài thời gian chăm lo chính sự, vua đi bộ thường xuyên, coi đó là “một phương pháp cầu thêm sống lâu vậy”, và coi trọng việc thể dục vì “người ta phải tập vận động, cố gắng thì ngày một thêm mạnh”.

Vua Minh Mạng trọng sách vở, thích đọc 'Tam quốc chí'

Qua sử liệu chúng ta có thể thấy sự trọng sách đặc biệt của vua Minh Mạng nhà Nguyễn.

Chuyện đo thời tiết thời vua Minh Mạng gần 200 năm trước

Thời phong kiến, Khâm thiên giám là cơ quan theo dõi khí tượng, làm lịch, xác định mùa vụ. Đến thời Nguyễn, vua Minh Mạng đã cấp công cụ hiện đại để dự báo thời tiết.

Trần Đình Ba

Bạn có thể quan tâm