Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vị tướng 'hai lần anh hùng'

Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Lê Trọng Tấn xứng đáng “hai lần anh hùng” khi bại tướng dưới tay ông lần lượt là De Castries, Dương Văn Minh.

Ngày 1/10 tới, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Lê Trọng Tấn, Bộ Quốc phòng sẽ tổ chức hội thảo khoa học “Đại tướng Lê Trọng Tấn - Nhà quân sự đức độ, mưu lược của cách mạng Việt Nam”.

Lê Trọng Tấn là vị tướng của những mốc son lịch sử. Ông trực tiếp chỉ huy cánh quân đánh phía Đông vào Mường Thanh, bắt sống tướng De Castries của Pháp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Trong cuộc Tổng Tiến công Mùa Xuân 1975, ông là Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, chỉ huy các binh đoàn đánh vào dinh Độc Lập, bắt sống tướng Dương Văn Minh.

De Castries tự hào là bại tướng

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại đoàn 312 của Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn là đơn vị đánh trận mở đầu vào Him Lam và trận cuối vào đầu não cứ điểm này. Nhiều tư liệu ghi lại rằng khi De Castries bị bắt, Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn đã gọi điện thông báo cho Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hỏi đi hỏi lại rất nhiều lần: “Có chắc chắn là De Castries không?”.

Ông Lê Đông Hải, con trai Đại tướng Lê Trọng Tấn, bên bàn thờ cha.
Ông Lê Đông Hải, con trai Đại tướng Lê Trọng Tấn, bên bàn thờ cha.

Vị đại đoàn trưởng một trong những đại đoàn tinh nhuệ nhất của chiến dịch đã có cuộc nói chuyện với bại tướng của quân viễn chinh Pháp tại tập đoàn cứ điểm này. De Castries thừa nhận: “Tôi tự hào được làm bại tướng dưới tay ông và đại đoàn của ông”.

Sau này, khi nhắc lại, De Castries mô tả vị đại đoàn trưởng, năm ấy mới tròn 40 tuổi, là một trong những người chỉ huy giỏi nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đại đoàn 312 đã góp công lớn vào thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Đại tá Lê Đông Hải, con trai Đại tướng Lê Trọng Tấn, tự hào: “Trong đời binh nghiệp của mình, ba tôi bắt sống được nhiều tướng địch. Trong đó, De Castries và Dương Văn Minh là 2 viên bại tướng đánh dấu mốc kết thúc cuộc chiến, mở ra thời kỳ hòa bình cho đất nước”.

Nhiều người cho rằng Đại tướng Lê Trọng Tấn là vị tướng của trận mạc khi ông có mặt ở hầu hết các dấu mốc quan trọng trong 2 cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc Việt Nam thế kỷ XX. Nhiều năm lăn lộn trên chiến trường miền Nam, Đại tướng Lê Trọng Tấn đã tham gia chỉ đạo các chiến dịch Bình Giã (1964), Cánh đồng Chum - Mường Sủi (1972); là tư lệnh các chiến dịch then chốt, quyết định: Đồng Xoài, Bàu Bàng - Dầu Tiếng (1965), Đường 9 - Nam Lào (1971), Trị Thiên (1972), Đà Nẵng (1975)...

Đất nước hòa bình, ông ra mặt trận

Đại tướng Lê Trọng Tấn có một đời binh nghiệp lẫy lừng với vai trò tư lệnh nhiều chiến dịch quan trọng. Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ông lại được Đảng và quân đội giao phó vị trí tư lệnh các mặt trận nóng bỏng như biên giới Tây Nam (1978), biên giới phía Bắc (1979).

Đại tá Lê Đông Hải vẫn nhớ như in lần gặp cha tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đầu năm 1979. Khi ấy, tư lệnh mặt trận biên giới Tây Nam Lê Trọng Tấn đã đưa đại quân vào thủ đô Phnom Penh - Campuchia và chuẩn bị tiêu diệt hang ổ của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Lúc này, ông Hải là một chuyên gia về vũ khí hóa học được cử sang Campuchia để xử lý những vấn đề liên quan.

“Gặp nhau ở sân bay, ba tôi hỏi: “Mày đi đâu đấy con?”. Khi biết tôi chuẩn bị lên máy bay quân sự bay sang Phnom Penh, ông dặn dò vài điều để tránh tàn quân Khmer Đỏ phục kích. Thấy ông vội vã ra Bắc, tôi rất băn khoăn vì chiến trường Campuchia sắp thu được thắng lợi cuối cùng, là tư lệnh mặt trận sao ông không ở lại? Sau này tôi mới biết ông đang chuẩn bị đương đầu ở một mặt trận còn nóng bỏng hơn khi Trung Quốc chuẩn bị đưa quân tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc” - ông Hải nhớ lại.

Sau lễ mừng chiến thắng ở Hoàng cung tại thủ đô Phnom Penh, ông Hải trở lại Hà Nội. Khi ấy, quân Trung Quốc đã tràn xuống nhiều tỉnh biên giới phía Bắc nước ta. “Về đến nhà, tôi vội hỏi: “Quân Trung Quốc đến đâu rồi ba?”. Ba tôi điềm nhiên: “Quân địch đã chiếm Lạng Sơn nhưng chúng sẽ sớm rút”.

Khi ấy, bảo vệ miền Bắc chỉ còn duy nhất Quân đoàn 1 nhưng ba tôi vẫn rất tự tin ở khả năng giành thắng lợi của quân ta. Về sau, đúng như dự đoán của ông, quân Trung Quốc đã rút khỏi các thị xã biên giới sau ít ngày chiếm đóng” - ông Hải kể.

Theo ông Hải, điều khiến cha ông - khi ấy là Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam - vẫn điềm nhiên trong giờ khắc căng thẳng vì quân ta đã chuyển được hỏa lực mạnh để đợi địch. “Quân ta khi ấy đã được cơ giới hóa, trong khi quân Trung Quốc thậm chí vẫn dùng lừa, ngựa để vận chuyển” - ông Hải so sánh.

4 cuộc chia ly

Trong đời ông Lê Đông Hải có 4 cuộc từ biệt khó quên với người cha trận mạc của mình, lần nào cũng để lại nhiều ký ức. Từ khi còn rất trẻ, ông Lê Trọng Tấn đã phải bỏ lại gia đình để ra mặt trận. Năm 1946, sau khi đưa gia đình sơ tán về Hà Đông, ông được cử làm trung đoàn trưởng Trung đoàn 148 Sơn La, phụ trách một số tỉnh Tây Bắc. Trước khi toàn quốc kháng chiến nổ ra, gia đình ông đã phải ly tán. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Minh Sơn, cũng gia nhập đơn vị của chồng làm công tác quân y và hậu cần.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần bàn việc quân với Đại tướng Lê Trọng Tấn
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần bàn việc quân với Đại tướng Lê Trọng Tấn

“Năm 1946, ba tôi mới 32 tuổi, còn tôi vừa lên 6 nhưng gia đình đã không được ở gần nhau. Mẹ tôi bắt đầu tham gia quân đội từ ngày ấy. Dù ở cùng đơn vị nhưng ông bà rất ít khi được gặp nhau bởi địa bàn Tây Bắc quá rộng, ba tôi lại thường xuyên phải đi nắm tình hình địch ở nhiều nơi” - ông Hải hồi tưởng.

Từ vị trí trung đoàn trưởng những năm đầu toàn quốc kháng chiến đến đại đoàn trưởng đầu những năm 1950, ông Lê Trọng Tấn đã chứng tỏ tài năng quân sự thiên bẩm của vị chỉ huy luôn có mặt nơi tuyến đầu. Ông Hải bồi hồi: “Suốt 3 năm đầu toàn quốc kháng chiến, tôi được gửi về vùng sơ tán sống với một người bác để ba mẹ ra mặt trận, rồi lên chiến khu. Mãi đến năm 1949, ba tôi - khi ấy là phó tư lệnh Liên khu 10 - mới cho người đi tìm con trai và đưa lên Việt Bắc. Lúc này, tôi mới được học lớp 1”.

Ông Hải cho biết ở Việt Bắc, ông Lê Trọng Tấn cùng các vị chỉ huy cao cấp khác của quân đội như Cao Văn Khánh, Lê Quang Đạo... bàn bạc phương pháp đánh các cứ điểm của Pháp sau quãng thời gian lăn lộn ở Tây Bắc và cả những cuộc thử sức đối đầu với tập đoàn cứ điểm Nà Sản ở Lai Châu.

“Trước khi Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu, tôi được cử sang Trung Quốc học thiếu sinh quân. Đây là lần thứ hai tôi phải chia tay ba khi trận chiến long trời lở đất sắp diễn ra trên cánh đồng Mường Thanh. Khi từ biệt, ba tôi gửi tặng con trai một tập sách với lời ghi: “Tặng con Đông Hải, học tập tiến bộ, tư tưởng tiến bộ”. Hơn 60 năm nay, tôi vẫn lưu giữ cuốn sách đã rách bìa ấy như một báu vật” - ông Hải xúc động.

Trước khi sang Quế Lâm - Trung Quốc để nhập học trường thiếu sinh quân Việt Nam, ông Hải được ở gần cha 2 đêm. “Tôi vẫn nhớ rõ cảm giác sung sướng của một cậu bé rất lâu mới có dịp gần cha. Sau này, tôi không còn nhiều dịp gần ông như thế khi sang Liên Xô học tập, còn ông thì đi khắp các chiến trường trong Nam ngoài Bắc” - ông Hải cho biết.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Đảng và quân đội lại giao Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn một trách nhiệm nặng nề: Đưa trường sĩ quan lục quân từ Trung Quốc về Việt Nam để xây dựng và đào tạo cán bộ nguồn cho quân đội. Ông Lê Trọng Tấn đã thay các ông Lê Thiết Bình, Trần Tử Bình làm hiệu trưởng trường này khi chuyển về Sơn Tây.

“Năm 1959, khi đang học chuyên ngành vũ khí hóa học ở Liên Xô, tôi về phép và thêm một lần nữa được gặp ba ở Sơn Tây. Nhưng rồi chỉ ít lâu sau đó, ông lại được cử vào mặt trận miền Nam” - ông Hải nhớ lại.

Năm 1971, ông Hải có dịp vào Quảng Trị rồi ra Cồn Cỏ công tác. Ông tiếc nuối: “Khi ấy, ba tôi đang chỉ huy chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. Nhiều lúc tôi chỉ ở cách ông 3 km đường rừng nhưng không thể gặp được. Lúc này, Thượng tướng Trần Sâm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã nói với đơn vị của tôi: “Tại sao lại để Hải vào đó? Anh Tấn chỉ có nó là con trai độc nhất. Rút Hải ra ngay, không thì nhỡ nó gặp máy bay B52...”.

Cuộc chia tay cuối cùng của ông Hải với Đại tướng Lê Trọng Tấn là lần sang Liên Xô công tác 3 tháng. “Tôi đi chưa được bao lâu thì ba đột ngột từ trần ngay trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc vào tháng 12/1986. Tôi nghĩ rằng ba tôi là người vất vả, ít khi được hưởng thành quả hòa bình. Mọi thứ ông đạt được là nhờ tài năng quân sự và sinh đúng thời đại” - ông Hải nhìn nhận về người cha của mình. 

Nhà chỉ huy quân sự lỗi lạc

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược quân sự - Bộ Quốc phòng, cho rằng trong 2 cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, Đại tướng Lê Trọng Tấn được xem là vị tướng đánh trận giỏi nhất.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đánh giá Đại tướng Lê Trọng Tấn là nhà chỉ huy quân sự lỗi lạc, người xứng đáng “hai lần anh hùng” do đã chỉ huy lực lượng xuất sắc bắt sống tướng De Castries, tướng Dương Văn Minh...

http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/vi-tuong-cua-tran-mac-20140920210326564.htm

Theo Mạnh Duy/Người Lao Động

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm