Với dân số khoảng 5,1 triệu người (theo thống kê vào năm 2021), Oman là quốc gia ít dân nhất trong những gương mặt có tên tại vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á.
Song điều ấy không ảnh hưởng tới tiềm lực của đội tuyển này. Bằng chứng là sau 3 lượt trận, Oman đã đánh bại cả Nhật Bản để đứng thứ 4 tại bảng B.
Trong 5 năm qua, Oman đã thăng hạng từ 129 lên 78 trên bảng xếp hạng FIFA. Đằng sau sự thăng tiến này của Oman là gì?
Oman đánh bại tuyển Nhật Bản tại vòng loại thứ ba World Cup 2022. Ảnh: AP. |
Bóng đá thực tế là môn thể thao được ưa chuộng nhất tại Oman. Những sân bóng có ở mọi nơi, dù độ phủ dân số của quốc gia này không cao (diện tích gần bằng Việt Nam nhưng dân số bằng 10%).
Giải vô địch quốc gia (VĐQG) Oman được thành lập sớm khi ra đời vào năm 1976. Điều này kéo theo việc bóng đá ở quốc gia này được phát triển tương đối đồng bộ, và cho ra vài kết quả không dễ thấy ở những quốc gia có tiềm lực trung bình.
Trong thập niên 90, Oman liên tục gặt hái những thành tích nổi bật ở các cấp độ bóng đá trẻ. Họ giành huy chương đồng giải U17 châu Á vào năm 1994 và dự World Cup U17 vào năm 1995. Tại giải đấu có sự góp mặt của những ngôi sao thành danh sau này như Pablo Aimar, Esteban Cambiasso (Argentina), Juan (Brazil) hay Naohiro Takahara (Nhật Bản), Oman vào tới bán kết.
Ngôi sao Mohamed Al Kathiri của Oman thậm chí qua mặt các anh tài từ Brazil, Argentina hay Ghana để ẵm ngôi "Vua phá lưới" và cầu thủ hay nhất giải.
Năm 1996, Oman vô địch châu Á ở lứa tuổi U16. Đến năm 2000, họ lặp lại thành tích này.
Tiềm năng của Oman là rất lớn ở cấp độ trẻ, nhưng đội tuyển quốc gia (ĐTQG) của họ lại không có thành tích tương tự. Oman chưa từng tham dự World Cup. Tại Asian Cup, thành tích tốt nhất của đội tuyển này là vào vòng 1/8 tại Asian Cup 2019, tức kém hơn Việt Nam.
Sở dĩ có sự chênh lệch lớn giữa thành tích của bóng đá trẻ và ĐTQG là bởi Oman thực tế chưa từng "làm bóng đá" một cách bài bản. Giải VĐQG Oman (OEL) thành lập từ năm 1976, nhưng chỉ bắt đầu "lên chuyên nghiệp" từ mùa giải 2012/13, muộn hơn Việt Nam 11 năm. Trước đó, giải VĐQG Oman được LĐBĐ châu Á (AFC) xếp hạng D.
Kế hoạch làm mới bóng đá Oman bắt đầu từ năm 2010, thời điểm LĐBĐ Oman (OFA) nhận đầu tư 6,7 triệu USD trong 5 năm để phát triển giải đấu, đào tạo bóng đá trẻ. Nguồn tiền này là khởi đầu cho việc giải VĐQG Oman bắt đầu thu hút những nhà tài trợ danh tiếng như Nissan để tự nuôi sống chính mình bằng cách bán bản quyền truyền hình.
Quãng thời gian thăng tiến của Oman những năm qua trùng khớp với thời điểm giải VĐQG Oman vào guồng và hệ thống đào tạo trẻ bắt đầu hưởng lợi từ nguồn đầu tư.
Thủ môn Ali Al Habsi là cầu thủ vĩ đại nhất của bóng đá Oman. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, việc bắt đầu muộn khiến giải VĐQG Oman không được đánh giá cao. Trên bảng xếp hạng của AFC, OEL đứng thứ 34, xếp sau cả giải VĐQG Campuchia, và dĩ nhiên không thể đuổi kịp V.League (đứng thứ 14).
Điều này kéo theo việc Oman không thể có CLB nào tham dự AFC Champions League. Tại AFC Cup, với điểm số khiêm tốn, Oman có 1-2 suất dự vòng bảng khu vực Tây Á.
Nếu nhìn lại toàn bộ quá khứ, Oman từng vươn tới vị trí 50 trên BXH FIFA vào năm 2004, cao hơn cả Chile, Xứ Wales hay Bờ Biển Ngà. Đó là thời điểm thế hệ ngôi sao tỏa sáng ở cấp độ U17 cho Oman vào giữa thập niên 90 đạt tới độ chín.
Tuy nhiên, việc không có giải VĐQG tốt khiến bóng đá Oman không thể vượt ngưỡng. Cầu thủ nổi tiếng nhất của bóng đá nước này, thủ môn Ali Al-Habsi, chỉ là trường hợp đặc biệt, và thực tế cũng từng suýt làm lính cửu hỏa trước khi theo nghiệp quần đùi áo số.
Lúc này, bóng dá Oman đang trở lại bằng đường hướng chuyên nghiệp cùng nguồn tiền đầu tư khôn ngoan. Vị trí thứ 78 trên BXH FIFA lúc này của Oman ở chừng mực nào đó không nên xem là bất ngờ.
Tuyển Oman chỉ đang trở lại đúng với vị thế của chính mình.