Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao Zalo tạo nên bước ngoặt lịch sử?

Nếu nhìn vào vị trí và thế mạnh hiện tại của Zalo so với các đối thủ như Line, Kakao Talk…, người dùng sẽ không thấy sự thay đổi lạ kỳ của một ứng dụng nhắn tin miễn phí thuần Việt.

Khi đứng “bét bảng” ở những danh sách xếp hạng quan trọng như App Store hay Google Play Việt Nam, kèm theo sai lầm trong thiết kế sản phẩm, Zalo là một sản phẩm vô vọng. Thế nhưng, vào thời điểm đen tối nhất, nhóm thiết kế sản phẩm của ứng dụng Việt Nam tập trung toàn lực cho một tính năng mang tính chiến lược: nhắn tin nhanh và ổn định nhất trên thiết bị di động trong mọi hạ tầng mạng viễn thông.

Trước đó, các ứng dụng nhắn tin miễn phí (OTT) ngoại như Wechat, Line, Kakao Talk… dù có thành công lớn trên thế giới, sản phẩm được trang bị nhiều tính năng nhưng điểm yếu lớn nhất là chỉ chạy tốt trên môi trường 3G hoặc Wifi.

Bằng những tính năng cơ bản nhất của OTT: nhắn tin miễn phí nhanh và ổn định nhất, ở mọi lúc, mọi nơi. Zalo đã nhanh chóng nhảy lên top 1 trên bảng xếp hạng App Store Việt Nam.

Những OTT này đã quen với môi trường viễn thông có chất lượng cao, ổn định nên khi sử dụng ở hạ tầng di động với chất lượng 3G chập chờn như Việt Nam thì cũng tương tự như gọi điện thoại với mạng S-Fone.

Cũng vì thế, khi nhóm thiết kế sản phẩm Zalo tung ra phiên bản chính thức với khả năng nhắn tin ổn định trên mọi hạ tầng như 2G - 2,5G - 3G - Wifi, người dùng Việt Nam như “nắng hạn gặp mưa”.

Không nổi bật về tính năng so với OTT ngoại nhưng ứng dụng Việt Nam vượt trội về khả năng nhắn tin di động ổn định - điều mà những sản phẩm ngoại đang gặp rắc rối lớn. Chưa hết, Zalo được tối ưu hóa triệt để với hạ tầng viễn thông trong nước, đặt máy chủ tại Việt Nam nên tốc độ nhắn tin cũng vượt trội so với đối thủ ngoại.

Ứng dụng thuần Việt có bước nhảy vọt lên vị trí số 1 (ngày 8/1/2013) trên bảng xếp hạng App Store Việt Nam chỉ trong một thời gian ngắn ra mắt phiên bản chính thức, không phải bằng những điều độc đáo, gây kinh ngạc mà đơn giản bằng tính năng cơ bản nhất của OTT: nhắn tin miễn phí nhanh và ổn định nhất, ở mọi lúc, mọi nơi.

Từ thành công bước đầu, Zalo đã có những thay đổi mạnh mẽ về tính năng đáp ứng nhu cầu đang lên của người dùng Việt Nam như tin nhắn thoại (dài tới 5 phút), vẽ hình khi nhắn tin… Bên cạnh đó, ứng dụng Việt Nam còn có một đặc điểm nổi bật so với sản phẩm ngoại: sử dụng pin tiết kiệm hơn. Đây cũng là vấn đề luôn được các tín đồ smartphone đặt lên bàn cân so sánh, mổ xẻ bởi “chú dế” thông minh nếu dùng OTT liên tục sẽ rất nhanh hết pin.

Nhờ tấn công vào những điểm thiết yếu nhất trong nhu cầu hiện tại của người dùng Việt Nam và chứng tỏ ưu thế của mình so với các đối thủ, Zalo nhanh chóng thu hút được lượng lớn khách hàng. Sau khi cán mốc 2 triệu người dùng vào đầu tháng 5/2013, ứng dụng thuần Việt đạt khả năng phát tán tự nhiên như Facebook và chính thức trở thành OTT số 1 Việt Nam.

Trên thực tế, bên cạnh chiến lược đúng đắn về thiết kế sản phẩm, Zalo còn có một yếu tố bổ trợ thú vị mà ít người cho rằng đó là thế mạnh: sự lãng mạn. Khi bắt đầu, không có mấy người tin OTT Việt Nam có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm quốc tế đã thành công lừng lẫy trên thế giới với hàng trăm triệu người dùng. Bên cạnh đó, xét về mặt lịch sử, các sản phẩm công nghệ được sử dụng phổ biến tại Việt Nam hầu hết đều nhập khẩu, kèm thêm đó là tâm lý sính ngoại của người dùng trong nước.

Khi những lãnh đạo của Zalo phát biểu rằng, giấc mơ tạo nên một sản phẩm nhắn tin thuần Việt cho hàng triệu người Việt Nam là một thế mạnh, hay sân nhà là yếu tố có thể giúp họ thành công, không ít người cảm thấy buồn cười.

Những điều mà nhóm làm sản phẩm Zalo tin tưởng trái với thực tế đang diễn ra và giống như một giấc mơ lãng mạn của những kẻ gàn dở. Thế nhưng, khi OTT thuần Việt đạt được những tiến bộ rõ ràng và nổi bật so với đối thủ ngoại, “câu chuyện lãng mạn của những kẻ gàn dở” lại trở thành một vũ khí lợi hại.

Khi sản phẩm bị đánh giá yếu hơn rất nhiều so với đối thủ ngoại có bước phát triển nhảy vọt và chiếm vị trí OTT số 1 trên thị trường, hành trình tới thành công của ứng dụng đó trở thành một câu chuyện cổ tích công nghệ Việt, được lan truyền và phát tán cực mạnh mà những chiến dịch quảng cáo hoành tráng cũng không hiệu quả bằng.

Câu chuyện cổ tích công nghệ Việt đã tạo thêm một điểm cộng quan trọng cho Zalo khi người dùng lựa chọn sử dụng ứng dụng OTT. Điều này cũng tương tự như việc rất nhiều người Việt Nam đã lựa chọn mạng di động Viettel chứ không phải ông lớn của VNPT những năm trước đây, và họ đã không nhầm.

Người Việt Nam có ủng hộ sản phẩm nhắn tin miễn phí nội địa đang đứng vị trí số 1, có hàng triệu người xung quanh mình dùng hay một ứng dụng ngoại mà người mình cần liên lạc không muốn sử dụng?

Việc vượt mốc 5 triệu người dùng được công bố vào ngày 25/9/2013 và vị trí đứng đầu, cách xa so với các OTT ngoại như Line, Kakao Talk trên các bảng xếp hạng quan trọng như App Store, Google Play và cả phiên bản mới của Zalo trên Windows Phone là câu trả lời rõ ràng nhất.

Theo Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm