Vì sao Zalo có lượng người dùng lớn nhất?
Một thương hiệu công nghệ Việt (Zalo) đã vượt qua những đối thủ sừng sỏ thế giới (Line, Kakao Talk) để có được lượng người dùng lớn nhất. Vì sao điều đó xảy ra?
Khi Zalo trở thành hiện tượng của làng công nghệ cũng như marketing tại Việt Nam, nhiều người mới giật mình về khả năng của một công ty trong nước. Ít người dám tin một công ty Việt Nam lại có thể tạo ra sản phẩm công nghệ với những tính năng mê hoặc người dùng, đồng thời có những chiến dịch marketing gây ấn tượng hơn hẳn các công ty nước ngoài – vốn được đánh giá là lắm tiền, nhiều của và kinh nghiệm quảng cáo “đầy mình”.
Trên thực tế, so với các đối thủ sừng sỏ thế giới như Line, Kakao Talk, ứng dụng thuần Việt – Zalo chưa thể vượt trội về tính năng. Tuy nhiên, Zalo được thiết kế tập trung vào các nhu cầu cơ bản và đang bùng nổ ở Việt Nam: nhắn tin thoại. Dù không phải là người khai phá nhưng có thể xem Zalo hiện là người khai thác thành công nhất tính năng này.
Trước đây, SMS Talk (tin nhắn bằng giọng nói) là một dịch vụ được các mạng di động cung cấp với giá vài nghìn đồng/tin và khi nghe tin nhắn phải qua tổng đài của một bên thứ ba. Giờ đây, với Zalo, người dùng có thể nhắn tin bằng giọng nói trực tiếp và miễn phí. Zalo cũng là sản phẩm duy nhất trên thị trường thời lượng nhắn tin thoại lên đến 5 phút. Đây là chưa kể đến việc trong khi nhắn thoại, người dùng còn có thể vẽ hình ngộ nghĩnh để gửi cho người khác và nhắn được theo nhóm.
Bên cạnh việc đi tiên phong khai thác dịch vụ nhắn tin thoại miễn phí, Zalo còn hơn hẳn các sản phẩm tương tự của nước ngoài ở tốc độ. Nếu nhắn với Zalo, người nhận có thể thấy thông tin ngay lập tức kể cả text lẫn voice. Điều này có được nhờ máy chủ của ứng dụng thuần Việt được đặt tại Việt Nam và sản phẩm được tối ưu hóa tốt nhất cho hạ tầng mạng di động trong nước. Chưa hết, Zalo cũng là ứng dụng nhắn tin miễn phí duy nhất cho phép hoạt động tốt trên cả nền 2G hoặc 2,5G mà không yêu cầu 3G hoặc wifi như các ứng dụng ngoại.
Với một thị trường mới sơ khai về dịch vụ nhắn tin miễn phí (đặc biệt là nhắn thoại) như Việt Nam, việc cung cấp sản phẩm đánh trúng nhu cầu mới đang bùng nổ, kèm tốc độ cao và thân thiện với người dùng trong nước thì việc tăng trưởng mạnh là điều dễ dự đoán.
Bên cạnh việc tung sản phẩm đánh trúng nhu cầu đang lên của người dùng, Zalo cũng khác biệt so với ứng dụng ngoại ở chiến lược marketing. Nếu như các đối thủ như Line, Kakao Talk chi nhiều triệu USD cho quảng cáo ngoài trời, và trên truyền hình với tần suất dày đặc thì ứng dụng thuần Việt chọn một cách làm khác. Khởi điểm với quảng bá trên Internet và tập trung vào thiết bị di động, Zalo chọn nhiều hình thức truyền thông khác nhau mà điểm nhấn là những câu chuyện thú vị của một thương hiệu công nghệ Việt.
So với quảng cáo ngoài trời và truyền hình, những hình thức quảng bá của Zalo có vẻ lặng lẽ hơn nhưng lại tác động trực tiếp dẫn tới hành động sử dụng dịch vụ (tải về và dùng) nhanh hơn. Nhờ việc lựa chọn được phương tiện có hiệu quả nhất, kèm theo những câu chuyện thú vị về sản phẩm, người dùng bị tác động đi tới hành động tải và dùng thử ứng dụng lớn. Đây cũng là lý do khiến Zalo vượt 1 triệu người dùng chỉ sau hơn 3 tháng cung cấp chính thức – một con số kỷ lục với ứng dụng nhắn tin miễn phí tại Việt Nam.
Thực tế, nhờ hiệu ứng lan truyền của những câu chuyện, thương hiệu Zalo được phát tán một cách tự nhiên và theo cơ chế lây lan virus, tràn ngập trên mạng Internet. Một ứng dụng dành cho giới trẻ nhưng cả người già ưa chuộng, câu chuyện cổ tích thời hiện đại khi sản phẩm công nghệ cao của một đơn vị trong nước vượt cả đối thủ sừng sỏ nước ngoài, ca sĩ tự sáng tác bài hát cho Zalo vì hâm mộ … nằm trong danh sách hiệu ứng bất ngờ về viral marketing mà chính những người làm sản phẩm này cũng không ngờ tới.
Trong khi các đối thủ nước ngoài chỉ sử dụng 1 hoặc 2 hình ảnh người nổi tiếng để quảng bá cho sản phẩm thì Zalo là sự xuất hiện của cả một dàn sao dày đặc, cùng những người có ảnh hưởng nói về ứng dụng này không ngớt trên Facebook, trong các bài phỏng vấn… Với những sản phẩm mà tính cộng đồng đóng vai trò quan trọng thì việc có nhiều ngôi sao, người có ảnh hưởng là khách hàng sẽ đem lại hiệu ứng quảng bá mạnh hơn. “Khi tất cả mọi người xung quanh tôi đều dùng Zalo thì tại sao tôi lại không dùng?” là một logic thông thường trong thời đại của các ứng dụng đòi hỏi tính kết nối cao như dịch vụ nhắn tin miễn phí.
Sản phẩm đánh trúng nhu cầu thị trường, chiến lược marketing khôn ngoan và đúng hướng là những nhân tố quan trọng đóng góp vào thành công bước đầu của Zalo khi ứng dụng này đang dẫn đầu thị trường và trở thành một hiện tượng của làng công nghệ Việt. Tuy nhiên, cuộc chiến với các đối thủ nước ngoài còn dài, Line cũng như Kakao Talk vẫn chưa tung hết những chiêu thức đã giúp họ thành công trên thế giới. Cũng vì thế, đội ngũ làm Zalo sẽ còn phải qua nhiều thử thách mà nếu sơ xảy, ngôi vị hiện tại sẽ mất đi nhanh chóng.
Theo 24h