Sáng 11/6, đăng đàn đầu tiên trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 9, Quốc hội XIII, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã nhận rất nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề đời sống của nông dân và giải pháp
Đại biểu đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) đặt vấn đề Việt Nam là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới nhưng hiện chủ yếu là xuất gạo thấp cấp, trung bình, trong khi nhu cầu nhập khẩu lại muốn nhập loại gạo chất lượng cao. "Để xảy ra tình trạng này trong một thời gian rất dài, trách nhiệm này thuộc về ai, giải pháp trong thời gian tới? Bộ trưởng có giải pháp gì để người nông dân làm giàu được từ nghề trồng lúa?" - đại biểu Lê Công Đỉnh chất vấn.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, việc xuất khẩu lúa gạo đang có dấu hiệu tích cực. Trong năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 1 triệu tấn gạo jasmine trên tổng sản lượng sản xuất 6,5 triệu tấn. Năm tháng đầu năm 2015, trên 500.000 tấn gạo cũng được xuất khẩu.
"Trong tương lai chúng ta sẽ nâng được sản lượng xuất khẩu các loại cao cấp, đang từng bước chiếm lĩnh thị trường" - Bộ trưởng Phát nói.
Bộ trưởng Cao Đức Phát. Ảnh: Ngọc Thắng. |
Về việc nông dân trồng lúa bao giờ có thể làm giàu, Bộ trưởng Phát khẳng định, hiện người nông dân ở nhiều nơi không trồng lúa thì cũng chưa thể trồng cây gì khác. Theo ước tính của các chuyên gia nông nghiệp để làm giàu từ lúa, mỗi hộ dân phải có diện tích từ 2 ha trở lên. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nơi cao nhất mỗi hộ cũng chỉ có 0,8 ha. Với diện tích trồng lúa nhỏ lẻ, người nông dân chỉ đủ sống chứ khó làm giàu từ lúa.
Trả lời chất vấn về khó khăn cơ bản ngành, Bộ trưởng Phát cho hay, lĩnh vực nông nghiệp yếu nhất là khâu tiêu thụ và khó khăn nhất là khâu chế biến.
"Nông dân của chúng ta rất giỏi, năng suất nông sản của chúng ta rất cao nhưng khâu chế biến lại kém. Vì thế xuất khẩu nông sản chủ yếu là nông sản thô, chưa có giá trị gia tăng. Muốn tiêu thị được, muốn chế biến được cần có sự vào cuộc của doanh nghiệp" - Bộ trưởng Phát nói.
Thông tin về giải pháp quyết điệp khúc "được mùa mất giá, được giá mất mùa", Bộ trưởng Nông nghiệp cho biết, nguyên nhân nông sản như dưa hấu, hành tím… được mùa mất giá chủ yếu là do cung vượt cầu và vướng mắc về thị trường tiêu thụ.
“Tôi nghĩ trong mọi tình huống chúng ta bình tĩnh để xử lý. Ví dụ dưa xuống giá là do khả năng thông quan kém, còn hành tím mất giá vì 70% hành xuất khẩu sang Indonesia nhưng từ cuối 2014 nước bạn chủ trương tự túc nên ta gặp khó khăn” - Bộ trưởng Nông nghiệp giải thích.
Về nguyên nhân dài hạn, Bộ trưởng Phát cho biết, đó là khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản cũng như năng lực chế biến và tiêu thụ của nhiều doanh nghiệp còn thấp; tổ chức sản xuất còn cắt khúc, thiếu sự kết nối chặt chẽ giữa sản xuất và chế biến, tiêu thụ.
Ngoài ra, việc nông sản được mùa mất giá còn có nguyên nhân do khả năng theo dõi, dự báo, thông tin thị trường, hệ thống xúc tiến thương mại, cơ sở hạ tầng và dịch vụ thương mại nông sản còn yếu kém.
Để khắc phục tình trạng trên, hạn chế ảnh hưởng tới thu nhập và đời sống của nông dân, Bộ trưởng Phát đưa ra các giải pháp như theo dõi sát sao diễn biến của thị trường, xử lý kịp thời những khó khăn có tính chất tình huống.
Cụ thể là phối hợp thực hiện các giải pháp để tăng khả năng thông quan ở các cửa khẩu với Trung Quốc; đàm phán với Indonesia để tái xuất khẩu hành tím và phối hợp với các nước sản xuất, xuất khẩu cao su thiên nhiên chính để hạn chế tăng nguồn cung, chống đầu cơ ép giá...). Ngoài ra, biện pháp điều chỉnh cơ cấu sản xuất phù hợp với tình hình thị trường cũng phải được tiến hành.
Hỏi ngắn, trả lời thẳng
Mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý khi các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi phải hỏi ngắn gọn, không nên dẫn dắt, giải thích, bình luận chính câu hỏi của mình. Các Bộ trưởng cũng cần trả lời thẳng và đưa ra được giải pháp thiết thực, có trách nhiệm và thời gian thực hiện.