Sony có thể sẽ tham gia sân chơi Windows Phone với 2 hoặc 3 mẫu điện thoại thông minh. Compal Communications, một nhà sản xuất điện thoại di động của Đài Loan được cho là đối tác chính của Sony để sản xuất các thiết bị này.
Mặt khác, Microsoft dự định sẽ bỏ khoản phí cấp phép sử dụng đối với hệ điều hành Windows Phone. Chính sách này được áp dụng cho tất cả các nhà sản xuất có thiết bị di động chạy nền tảng này. Đây chính là thuận lợi khách quan cho kế hoạch "lấn sân" lần này của Sony.
Nokia đang sở hữu gần 90% thị trường thiết bị Windows Phone. Nói cho chính xác hơn, con số này đang được Microsoft nắm giữ sau khi hãng này mua lại bộ phận kinh doanh điện thoại di động của Nokia. Ngoài ra, ba thương hiệu khác là HTC, Samsung và Huawei cũng có thiết bị chạy Windows Phone cho riêng mình.
Với Windows Phone, Sony đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Ảnh: EyeOnWindows. |
Sản phẩm của Sony từ trước đến nay luôn tạo được ấn tượng về vẻ ngoài. Nhưng xem ra tất cả điểm thu hút chỉ dừng lại ở đó. Xperia Z1 là một ví dụ điển hình. Mang một thiết kế sang trọng cùng những tính năng độc đáo của dòng điện thoại thông minh cao cấp, Z1 thành công về mặt hình ảnh nhưng lại thất bại hoàn toàn về doanh số bán ra.
Windows Phone được cho là một "đứa trẻ khó nuôi", đặc biệt với những nhà sản xuất mới làm quen với nền tảng này. Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ iOS và Android càng làm cho hành trình của Windows Phone trở nên khó khăn hơn. Dù không ít nhà mạng và hệ thống bán lẻ luôn đặt niềm tin vào Windows Phone, nhưng người dùng mới làm quen với điện thoại thông minh thì lại không.
Nếu Sony dám thử sức với Windows Phone (phân khúc cao cấp hoặc tầm trung), các thiết bị của hãng sẽ có cơ hội khẳng định đẳng cấp vượt trội về phần cứng. Ngoài ra, dòng thiết bị đó dễ lọt vào danh sách những chiếc điện thoại Windows Phone hàng đầu.