Chỉ trong hai tháng, xã Sơn Long, huyện vùng cao Sơn Tây (Quảng Ngãi), ghi nhận hàng chục đợt sạt lở núi kéo theo hàng nghìn khối đất, đá vùi lấp bản làng, tàn phá nhiều nhà cửa của người dân.
Địa phương này phải sơ tán khẩn cấp khoảng 100 hộ dân với hơn 400 nhân khẩu ra khỏi vùng nguy hiểm lở núi.
Núi sạt lở tan hoang vùi lấp bản làng ở xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Minh Hoàng. |
Ông Đỗ Thanh Vượt, Chủ tịch UBND xã Sơn Long, cho biết chưa bao giờ đồi núi sạt lở với mật độ dày đặc như mùa mưa bão năm nay.
"Bão chồng bão, mưa lớn kéo dài gây ra 20 đợt lở núi khiến ba người bị thương, gây hư hỏng nhiều ngôi nhà và vùi lấp bản làng, nương rẫy của đồng bào nơi đây. Lở núi cũng gây cô lập nhiều khu dân cư, tắc nghẽn giao thông trên tuyến đường Trường Sơn Đông nối các tỉnh miền Trung với Tây Nguyên", ông Vượt nói.
Qua khảo sát, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi, xác định người dân nơi đây chủ yếu trồng cây keo trên đồi núi, loại cây có tầng rễ nông, hút nước nhiều, không có tác dụng giữ đất. Trong khi đó, mưa lớn kéo dài, địa chất tơi xốp ngậm quá nhiều nước xuất hiện tình trạng sạt lở triền miên.
Hai đới đứt gãy đang hoạt động mạnh
Năm 2012, Quảng Ngãi từng phối hợp với Viện Địa chất - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam điều tra hiện trạng và xây dựng một số bản đồ phân vùng cảnh báo sạt lở.
PGS.TS Cao Đình Triều, nguyên Phó viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, phân tích yếu tố địa chất là nguyên nhân khiến các trận lũ, sạt lở đất ở khu vực này thêm phần cực đoan.
Quảng Ngãi có đặc tính địa hình phân cắt lớn, rất dốc, mưa lũ khi tràn qua địa hình dốc thì trôi nhanh, nguy hiểm hơn so với địa hình bằng phẳng. Khu vực này cũng được các nhà khoa học đánh giá là có tình trạng trượt lở đất phức tạp và nguy hiểm hơn nhiều so với các khu vực khác.
Núi lở tàn phá nhà cửa của người dân xã Sơn Long, huyện vùng cao Sơn Tây. Ảnh: Minh Hoàng. |
Khu vực này liên tục xảy ra tình trạng trượt lở đất do nằm trên hai đới đứt gãy đang hoạt động mạnh là Rào Quán - A Lưới và Trà My - Trà Bồng, liên thông với các vùng lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) và Đăkđrinh (Quảng Ngãi). Khu vực này địa chất bị phong hóa mạnh, đất đá bị cà nát, dập vỡ mạnh nên khi mưa lớn kéo dài đã gây ra tình trạng sạt lở ở khu vực này.
Ông Triều cho biết thêm sau thời gian dài khảo sát, nghiên cứu, kết quả cho thấy tồn tại ba vùng nguồn phát sinh động động đất ở vùng cao Quảng Ngãi với cấp độ mạnh có thể xảy ra từ 5,2 đến 6,1 độ.
Theo GS Triều, quá trình khảo sát, nghiên cứu xác định khu vực này có 2 đới đứt gãy địa chất đang hoạt động là Rào Quán - A Lưới và Trà My - Trà Bồng, liên thông với các vùng lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) và Đăkđrinh (Quảng Ngãi).
Trồng rừng phòng hộ chống sạt lở
Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản, cho hay liên tục trong hai năm qua, Viện đã cử đoàn công tác về Quảng Ngãi điều tra hiện trạng và phân vùng cảnh báo sạt lở. Kết quả khảo sát, nghiên cứu cho thấy địa hình Quảng Ngãi phức tạp.
Để giảm tình trạng sạt lở đất, ông Văn khuyến cáo các địa phương chủ động sử dụng những bản đồ về hiện trạng và phân vùng cảnh báo sạt lở; đồng thời tích hợp bản đồ này vào trong những quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội để điều chỉnh quy hoạch sao cho an toàn, hợp lý.
Người dân lội bùn nhão vượt qua điểm lở núi ở xã Sơn Long, huyện Sơn Tây đi lại mưu sinh hàng ngày. Ảnh: M. Hoàng. |
Viện đang xây dựng dự án về quan trắc cảnh báo sớm, dự định sẽ chọn một số vị trí sườn dốc có nguy cơ cao và bên dưới sườn dốc có dân cư sinh sống để tiến hành quan trắc cảnh báo sớm. Những bản đồ về nguy cơ sạt lở đất sau 3 tới 5 năm phải làm lại và chuyển giao lại. Vì các nội dung cảnh báo cần điều chỉnh, cần thay đổi sau mỗi đợt mưa lũ.
Vị trí nào có nguy cơ sạt lở núi cao thì địa phương không nên quy hoạch phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất, nhà cửa hay khu tái định cư. Những khu vực này cần trồng rừng phòng hộ để chống sạt lở.