Bão chồng bão, lũ chồng lũ, mưa lớn kéo dài gây lở núi nghiêm trọng ở các huyện vùng cao của Quảng Ngãi. Đồi núi bị sạt trượt tạo ra hàng loạt hố sâu hàng chục mét, uy hiếp tính mạng người dân, giáo viên và học sinh nơi đây.
Sau bão lũ, hàng chục giáo viên phải vượt qua 76 điểm sạt lở để đến trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Long Môn. Đất, đá ngổn ngang, bùn chảy tràn trở thành những cái bẫy nguy hiểm trên đường.
Xin rau rừng lót dạ
Thầy giáo Trương Quốc Đạt, Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Long Môn, huyện Minh Long, cho hay bão lũ dồn dập khiến tuyến đường từ trung tâm huyện về xã tan hoang.
"Cả giáo viên lẫn học sinh nơi đây đối mặt với nguy cơ đất, đá bất ngờ từ trên núi tràn xuống vùi lấp trên đường đến trường. Thương học trò, chúng tôi cố gắng quên đi sợ hãi, bám lớp, bám trường mang con chữ đến với các em", ông Đạt chia sẻ.
Sau bão lũ, nhiều đoạn trên tuyến tỉnh lộ 628 từ xã Thanh An về Long Môn, huyện Minh Long, bị xói lở, mất 1/2 lòng đường. Nhiều điểm sạt trượt ở những khúc cua tạo thành vực sâu sát bên vách núi dựng đứng.
Sau bão lũ, giáo viên đến trường dạy học ở xã Long Môn, huyện Minh Long, phải đi qua nhiều hố nguy hiểm. Ảnh: Minh Hoàng. |
Hơn 7 năm dạy học ở huyện vùng cao này, cô giáo Nguyễn Thị Minh Tiên, giáo viên ở xã Long Môn, cho biết chưa bao giờ núi bị sạt lở với mật độ dày đặc như mùa mưa bão năm nay.
Cây cối ngã đổ khắp nơi, đất, đá từ trên núi tràn xuống chắn ngang đường. Lũ rút, nhóm giáo viên lội suối, băng rừng về các bản làng vận động học sinh đến lớp. Núi lở gây tắc nghẽn giao thông, nhiều giáo viên bị kẹt lại ở trường, không thể về thăm nhà.
"Thiếu lương thực mùa mưa lũ, nhiều hôm chúng tôi xin rau rừng của bà con để lót dạ qua ngày", cô giáo Tiên kể.
Những cơn bão liên tục càn quét làm tốc mái hàng loạt trường học ở Quảng Ngãi. Khu nhà của trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Long Môn bị bão làm tốc mái hoàn toàn. Thầy, cô giáo nơi đây phải dùng một số tấm tôn, bàn ghế để tạo vách ngăn, chia đôi nhà văn hóa xã để học sinh nam và nữ sinh hoạt, học tập.
Tương tự, trường Tiểu học Trà Lâm tại điểm thôn Trà Khương, huyện vùng cao Trà Bồng, vừa bị tốc mái, vừa bị xói lở nặng, nằm chênh vênh bên vực sâu. Hiện, các giáo viên ở điểm trường này phải tá túc, dạy học tạm thời trong nhà dân.
Thoát chết trong gang tấc
Giữa muôn vàn khó khăn, giáo viên ở vùng cao Quảng Ngãi cho rằng cơ cực nhất là xe bị lún sâu trong bùn nhão tại những khu vực núi lở. Giữa núi rừng hoang vắng, giáo viên phải chờ hàng giờ, mong có người đến để phụ khiêng xe qua các đoạn bùn lầy.
"Nhiều khi tôi vừa chạy xe vừa trông chừng núi lở nên bị té, bị thương", Trần Thị Tâm, giáo viên ở huyện vùng cao Sơn Tây, chia sẻ.
Những ngày mưa bão, dòng nước lũ đục ngầu từ trên núi cuồn cuộn tràn về ầm ầm như thác đổ. Trên hành trình mang kiến thức đến với học trò vùng cao, nhiều giáo viên nơi đây từng thoát chết trong gang tấc khi lũ ập về lúc đi qua ngầm tràn, sông suối chảy xiết.
Thầy giáo Nguyễn Thanh Hưng, giáo viên dạy Toán, trường Trung học cơ sở Trương Ngọc Khang, ở xã Trà Phong, huyện vùng cao Trà Bồng, băng rừng về làng vận động học sinh đến lớp sau bão lũ. Ảnh: Minh Hoàng. |
Hơn 30 năm gắn bó với nghề dạy học ở huyện vùng cao Trà Bồng, thầy giáo Nguyễn Trí Dũng, Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú và THCS Trà Phong, không thể nhớ hết biết bao lần mình đội mưa cắt rừng đi giải cứu đồng nghiệp bị kẹt giữa đường do núi lở hay lũ ống, lũ quét tràn về.
“Dạy học ở vùng sâu, vùng xa, cho tôi nghị lực, bản lĩnh để vượt qua khó khăn. Tôi từng hai lần bị lũ cuốn trôi trên sông Trà Ích và Cà Tinh. May mắn, hai lần tôi đều thoát chết, sống đến hôm nay để đứng trên bục giảng", ông Dũng thuật lại.
Không chỉ dạy học trên lớp, đêm về các thầy, cô giáo trường Trung học cơ sở Trương Ngọc Khang ở xã Trà Phong, huyện Trà Bồng, còn tình nguyện dạy kèm miễn phí các môn Toán, Anh Văn, Lý, Hóa... bồi dưỡng kiến thức cho học trò nghèo nơi đây.
"Vất vả, khó khăn là vậy nhưng mỗi lần tôi đến lớp, nhìn vào ánh mắt khát khao học tập của các em, mình cảm thấy ấm lòng", Nguyễn Thanh Hưng, giáo viên dạy Toán, trường Trung học cơ sở Trương Ngọc Khang, ở xã Trà Phong, huyện Trà Bồng, bộc bạch.