Một trong những thông tin được nhiều người quan tâm về virus SARS-CoV-2 là khả năng tồn tại của chúng ở ngoài môi trường. Các nhà khoa học cho biết virus xuất hiện trong dịch bắn ra từ miệng, mũi khi người bệnh ho, hắt xì.
Nhân viên y tế Nhật Bản làm việc tại du thuyền Diamond Princess vào ngày 7/2, khi con tàu còn đang trong thời hạn cách ly. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, thời gian chúng tồn tại ngoài môi trường là một trong những yếu tố quyết định mức độ lây lan. Ngày 26/3, Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) xuất bản báo cáo khoa học cho thấy vật chất di chuyền (RNA) của virus được tìm thấy trên tàu Diamond Princess tới 17 ngày sau khi hành khách đã rời đi.
Liệu bạn có phải lo lắng về việc nhận các loại đồ ký gửi, mua sắm ở siêu thị hay chạm tay vào các bề mặt có nguy cơ cao?
Đầu tiên, cần hiểu báo cáo của CDC không có nghĩa virus tồn tại được 17 ngày ngoài môi trường. RNA hay ribonucleic acid là vật chất di truyền bên trong virus, được bao bọc bởi lớp lipid và các gai protein. RNA vừa là chìa khóa giúp phát hiện virus, vừa chứa các thông tin để virus tự sao chép trong cơ thể người.
"Điều này có nghĩa rằng một phần của virus vẫn còn tồn tại. Tuy nhiên, virus cần các thành phần khác để hoạt động. Nếu chỉ có một phần RNA, bạn cũng không thể tạo ra virus mà cần chuỗi gen hoàn chỉnh.
Do vậy, phát hiện một phần RNA không có nghĩa rằng chúng có thể lây lan", bác sĩ Akiko Iwasaki, Giáo sư ngành sinh học phân tử tại ĐH Yale giải thích.
Tạp chí y khoa NEJM vào ngày 17/3 cũng đăng tải nghiên cứu về thời gian virus tồn tại trên nhiều bề mặt khác nhau, được thử nghiệm bên trong môi trường có kiểm soát kỹ. Tác giả cho biết virus vẫn có thể được tìm thấy trên bề mặt đồng sau 4 giờ, trên vỏ bìa sau 24 giờ, và trên chất liệu nhựa, thép sau 72 giờ.
Tuy nhiên, số lượng virus giảm rất nhanh sau mỗi giờ trên mọi bề mặt. Do vậy, nguy cơ lây nhiễm virus khi chạm vào bề mặt cũng thấp đi nhanh qua thời gian, theo giải thích của Bác sĩ Julia Marcus, trường Y khoa Harvard.
Virus SARS-CoV-2 gồm chuỗi RNA được bao bọc trong lớp protein và lipid. Nghiên cứu tìm ra chuỗi RNA tồn tại tới 17 ngày sau khi du khách đã ra khỏi tàu Diamond Princess. Đồ họa: Nhân Lê. |
"Cần phải có một lượng virus đủ lớn mới có thể khiến bạn nhiễm bệnh. Nếu chỉ có một phần virus thì khả năng lây nhiễm là thấp.
Một số virus chỉ cần khoảng 10 con là có thể khiến người nhiễm bệnh, nhưng một số cần tới hàng triệu. Càng ít virus thì khả năng nhiễm càng thấp, nên số lượng virus tồn tại trên bề mặt mới quan trọng", bà Iwasaki giải thích.
Do đó, nguy cơ lây nhiễm từ việc tiếp xúc gần với người bệnh cao hơn rất nhiều so với việc chạm vào bề mặt có virus. Nguy cơ gặp virus trên các quầy hàng siêu thị hoặc bao bì đóng gói là thấp, nhưng vẫn có khả năng. Do đó, chúng ta vẫn phải rửa tay thường xuyên.
"Virus khá bền vững trên các bề mặt như nhựa hay thép, có thể tồn tại tới vài ngày. Do vậy, vẫn có khả năng người nhiễm virus chạm vào các bề mặt này, rồi lại có người khác cũng chạm vào và đưa lên mặt, nhiễm virus.
Nó cũng tồn tại khá lâu trên vỏ bìa. Vì thế, khi nhận hàng bạn nên mở ra và bỏ vỏ đi ngay, sau đó rửa tay, tránh đưa tay lên mặt. Hãy làm mọi cách để tránh tiếp xúc trực tiếp với vỏ hộp rồi lại đưa lên mặt", bà Iwasaki chia sẻ.
"Bạn cũng nên định kỳ lau các bề mặt có nguy cơ cao như tay nắm cửa hay toilet. Các loại dung dịch vệ sinh bình thường như chất tẩy hay dung dịch chứa 70% cồn đều hiệu quả. Nếu có người trong nhà nhiễm virus, việc vệ sinh, khử trùng là rất quan trọng và nên làm thường xuyên", bà Julia Marcus nói thêm.