Trước khi có thay đổi về nhân sự cấp cao tại Vinamilk, nữ tướng Mai Kiều Liên chia sẻ với giới truyền thông: “Tôi đã kiêm nhiệm chức Chủ tịch và Tổng giám đốc trong nhiều năm. Năm nay là năm bản lề để công ty đào tạo thế hệ kế cận”. Thực tế, nữ doanh nhân này đã có 40 năm gắn bó với ngành sữa và 23 năm giữ cùng lúc 2 vị trí cao nhất tại công ty sữa lớn nhất Việt Nam.
Thế nhưng, độ tuổi của tân Chủ tịch Lê Thị Băng Tâm là 68 (cao hơn bà Liên 6 tuổi). Vì sao “người kế cận” không trẻ hơn, lại đang kiêm chức Chủ tịch HD Bank?
Hai lãnh đạo cao nhất của Vinamilk đều trên 60 tuổi. |
Trao đổi với Zing.vn, nguồn tin từ Vinamilk cho biết, tại công ty này, vai trò của Tổng giám đốc là quan trọng, HĐQT chủ yếu quyết định các chiến lược dài hạn. Còn việc chọn Chủ tịch là do các thành viên HĐQT bầu ra và không thuộc khái niệm “thế hệ kế cận”. Bà Băng Tâm là người có tầm nhìn, khả năng lãnh đạo, uy tín cao, và phù hợp với công việc mang tính định hướng dài hạn.
Nguồn tin này bổ sung, những người có thể thay thế bà Mai Kiều Liên được đào tạo từ vài năm nay và đã chứng tỏ vai trò nhiều hơn trong công ty. Tuy nhiên, nhiệm kỳ của Tổng giám đốc sẽ đến hết năm 2016, việc ai là người kế nhiệm còn phụ thuộc vào tín nhiệm của cổ đông. “Trên thế giới, lãnh đạo các công ty lớn ở tuổi 70-80 rất nhiều. Điều quan trọng là họ có khả năng đóng góp lớn cho sự phát triển chung hay không”, vị này nói thêm.
Trong khi đó, một chuyên gia tài chính từng tư vấn cho nhiều công ty nhà nước lên sàn, nhận xét: “Vinamilk chưa thực sự có người kế cận bà Liên, bởi nếu có thì nhân vật đó phải lộ diện với bên ngoài nhiều hơn. Thực tế, bà Băng Tâm lên chức Chủ tịch đồng nghĩa với việc quyền lực giờ chủ yếu thuộc về Tổng giám đốc”.
Ông này nhận định, bà Liên có khả năng vẫn là CEO tại Vinamilk trong vài năm tới. Tuy nhiên, điều này cho thấy khó khăn lớn trong việc tìm người kế nhiệm tại công ty sữa số 1 Việt Nam. “Tổng tuổi của 2 lãnh đạo cao nhất lên tới 130 (bà Liên 62, bà Băng Tâm 68) – cao nhất trong số các công ty sữa là một chi tiết đáng lưu ý”, chuyên gia này nói vui.
Về việc bầu Chủ tịch, chuyên gia này phân tích, HĐQT có 6 người thì 2 thành viên không điều hành, 2 người đại diện cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), bà Liên và bà Băng Tâm (thành viên độc lập). “Khi SCIC chỉ có 2 đại diện, lựa chọn bà Băng Tâm cho vị trí cao nhất khi Chủ tịch Mai Kiều Liên từ nhiệm là điều dễ thấy”, ông này nhận định.
Chia sẻ về vị trí mới, bà Băng Tâm nói: “Tôi là người được cổ đông bầu ra, sẽ cố gắng làm tốt nhiệm vụ của mình, vì sự nghiệp của Vinamilk. Thị trường cứ đồn đoán như thể là tôi ‘tranh cử’ vào chức vụ đó, nhưng kỳ thật không phải”.
Trong khi đó, phó tổng giám đốc một công ty chứng khoán lớn tại TP HCM lưu ý, với 45% cổ phần tại Vinamilk, theo Luật Doanh nghiệp, SCIC có 3 đại diện trong HĐQT (tương ứng với tỷ lệ cổ phần nắm giữ) chứ không phải 2 như hiện nay. Khi bầu bổ sung thành viên thì cán cân quyền lực trong HĐQT sẽ khác đi.
“Về mặt bản chất, SCIC không muốn bà Liên nắm quyền quyết định quan trọng ở Vinamilk nhưng không được cổ đông khác đồng ý và họ cũng không chọn được ai xứng đáng hơn. Trước đó, họ đưa ông Hà Văn Thắm vào HĐQT, cán cân về phiếu bầu có thể thay đổi nhưng lại gặp sự cố lớn khi đại diện này vướng vòng lao lý. Do vậy, SCIC sẽ phải tìm cách khác”, ông này bình luận.
Chuyên gia này bổ sung, vấn đề nóng mà nhiều người ở Vinamilk quan tâm sau khi có thay đổi lãnh đạo là ở kỳ đại hội cổ đông kế tiếp, kế hoạch bán cổ phần ưu đãi cho người lao động (ESOP) có được thông qua hay không. Trong năm 2013 và 2014, tờ trình về ESOP liên tiếp bị SCIC phủ quyết.
Tại Vinamilk, mối quan hệ giữa bà Mai Kiều Liên và SCIC trong HĐQT không yên ả. Trong đại hội cổ đông đầu năm nay, SCIC đưa ra đề xuất “bãi miễn tư cách thành viên HĐQT nếu người đó không còn được cử làm đại diện của cổ đông tổ chức” nhưng bị phủ quyết. Đề xuất này được cho là nhắm vào bà Mai Kiều Liên vì nữ tướng ngành sữa đã hết tuổi, không còn đủ điều kiện đại diện phần vốn Nhà nước. Một đề nghị khác cũng của SCIC bị cổ đông khác bác bỏ là giới thiệu thêm thành viên độc lập vào HĐQT.