Tại cuộc họp giao ban quản lý nhà nước tại Bộ TT&TT vào đầu tháng 10, ông Lê Đăng Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) lại đưa ra đề nghị Bộ TT&TT cho giảm cước ngoại mạng để áp dụng chính sách một giá cước di động không phân biệt nội mạng và ngoại mạng.
Ông Dũng cho biết, cước kết nối chỉ chiếm 7% doanh thu của Viettel. Nếu áp dụng thống nhất cước nội và ngoại mạng thì doanh thu của Viettel chỉ giảm 1,5%. Tuy nhiên, lãnh đạo này cho rằng, nếu giảm cước ngoại mạng bằng nội mạng sẽ giúp khách hàng sử dụng dịch vụ thuận lợi hơn vì không phải nhớ nhiều loại cước. "Rất có thể lưu lượng thoại sẽ tăng lên sau khi áp dụng chính sách này và bù đắp phần sụt giảm doanh thu từ việc giảm cước ngoại mạng", ông Dũng bình luận.
Dịch vụ 3G đang bùng nổ nên giảm cước thoại là điều dễ hiểu. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đại diện Viettel còn cho rằng, thoại và SMS sẽ giảm và data sẽ là xu hướng phát triển trong thời gian tới. Bên cạnh đó, ngày càng xuất hiện nhiều smartphone giá rẻ chỉ còn khoảng 40 USD, điều này sẽ thúc đẩy các thuê bao sử dụng dịch vụ data. Vì vậy, ông Dũng cho rằng cần có chính sách đẩy mạnh và khuyến khích khách hàng dùng data, cân đối với dịch vụ thoại và SMS.
Vào tháng 7 năm nay, Viettel đã kiến nghị giảm cước di động ngoại mạng nhưng giữ nguyên cước 3G. Ông Hoàng Sơn, Phó tổng giám đốc Viettel cho rằng, giảm cước thoại cũng là giải pháp trước xu hướng nhu cầu thoại đang giảm và 3G tăng mạnh. Thêm vào đó, dịch vụ OTT cũng gây sức ép mạnh đối với dịch vụ thoại. Vì vậy, nếu không giảm cước dịch vụ thoại sẽ khó kích cầu người dùng với dịch vụ này.
Trả lời về kiến nghị của Viettel, Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định, Bộ TT&TT ủng hộ việc giảm giá cước thoại và tin nhắn của dịch vụ di động. Thực tế giá thành dịch vụ thoại và tin nhắn đã giảm nhiều khi hạ tầng 2G đã được đầu tư từ chục năm nay. Đây cũng là một trong những biện pháp để nhà mạng cạnh tranh với các dịch vụ OTT. Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng, hiện doanh thu data của mạng di động chiếm khoảng hơn 10%, nhưng 70% - 80% năng lực mạng lưới tới lại dùng cho data. Vì vậy, các mạng phải tính giá thành dựa trên năng lực mạng lưới cho data và thoại cho phù hợp. Nếu tiếp tục giảm data xuống quá thấp mà giảm mất nguồn thu từ thoại sẽ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định, Bộ TT&TT ủng hộ thúc đẩy data tăng trưởng mạnh lên vì về lâu dài doanh thu của các nhà mạng sẽ chủ yếu lấy từ dịch vụ data.
Đến thời thuê bao sẽ được miễn cước thoại?
3G giờ đã trở thành dịch vụ cơ bản. Ảnh: Anh Tuấn. |
Để phù hợp với xu hướng sử dụng dịch vụ, hiện nhiều nhà mạng trên thế giới chỉ còn tính cước dữ liệu và miễn phí cước thoại. Ông Tenny Sum – Tư vấn cao cấp về chính sách của Huawei chỉ vài năm nữa, Việt Nam cũng đi theo xu hướng ra các gói cước di động miễn phí cuộc gọi. Doanh thu chính nhà mạng thu được từ dịch vụ này là data chứ không phải thoại. Ông Tenny Sum đưa ra ví dụ ở Hong Kong, nhà mạng cho thêm khách hàng những phút gọi điện miễn phí trong các gói cước 3G.
Hiện các mạng di động của Việt Nam chưa lên tiếng về thời điểm có thể áp dụng mô hình kinh doanh mới. Tuy nhiên, có những dấu hiệu rõ nét cho thấy các nhà mạng đang chuẩn bị cho xu hướng này.
Đến nay, tất cả các mạng di động đã mở dịch vụ data cho các khách hàng bắt đầu sử dụng dich vụ. Đại diện VinaPhone và MobiFone cho biết, rất nhiều khách hàng đang sử dụng smartphone nên đã mở mặc định 3G cho tất cả các SIM bán ra trên thị trường.
Đại diện của Viettel cũng cho biết, hiện nay các thuê bao mới của Viettel không phải đăng ký dịch vụ data mà được mở mặc định ngay khi khách hàng kích hoạt SIM. Nhà mạng này cũng có các hình thức hướng dẫn khách hàng đăng ký gói cước phù hợp khi trải nghiệm 3G.
Các nhà mạng khẳng định, data được xem là dịch vụ cơ bản cho các thuê bao di động như thoại và SMS. Vì vậy, khách hàng sẽ không phải đăng ký sử dụng như trước đây mà có thể sử dụng được ngay sau khi SIM kích hoạt. Tuy nhiên, các nhà mạng cũng khuyến cáo khách hàng nên chọn gói cước phù hợp để kiểm soát được chi phí của mình./.