Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà mạng khác nói gì khi Viettel kiến nghị giảm cước?

Đáp lại kiến nghị bất ngờ với đồng nhất cước nội và ngoại mạng về một mức giá của Viettel, các nhà mạng khác đều tỏ ra thận trọng.

Ngày 7/7, Viettel bất ngờ đề xuất đồng nhất cước nội và ngoại mạng về một mức giá với Bộ Thông tin và Truyền thông trong cuộc họp tổng kết giữa năm. Theo đó, nhà mạng này tính toán có thể giảm giá cước gọi di động ngoại mạng về mức cước nội mạng, dù điều này có thể khiến Viettel chịu thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm.

Thực tế, việc Viettel áp dụng mức cước này không chỉ tác động đến riêng nhà mạng này mà có thể khiến cả thị trường viễn thông Việt Nam đứng trước cuộc cách mạng. Viettel đồng nhất giá cước tất yếu sẽ dẫn tới việc các nhà mạng khác buộc phải làm theo. Như vậy, không chỉ 54 triệu người dùng của Viettel được hưởng lợi mà hơn 121 triệu thuê bao (tính đến tháng 5/2014) cũng sẽ được hưởng mức giá này. Thế nhưng, phản ứng của các nhà mạng trước đề xuất của Viettel hiện còn khá thận trọng.

Hàng chục triệu người dùng di động Việt Nam đang chờ quyết định giảm cước. Ảnh: Hoàng Hà.
Hàng chục triệu người dùng di động Việt Nam đang chờ quyết định giảm cước. Ảnh: Hoàng Hà.

Đại diện của VNPT thì cho biết đề nghị này là của riêng Viettel, còn quyết định áp dụng hay không thì cũng phải được sự đồng ý của Bộ: "Nếu Bộ đồng ý với đề xuất này thì chắc chắn các nhà mạng phải cân đối thị trường và khách hàng". Trong khi đó, phía MobiFone cho biết họ đang nghiên cứu động thái này của Viettel trước khi đưa ra kế hoạch cho riêng mình.

Đánh giá cao động thái đề xuất giảm cước của Viettel, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng đây là dấu hiệu tích cực cho một thị trường viễn thông cạnh tranh năng động hơn. "Viettel đang giữ thị phần lớn nên việc điều chỉnh của họ chắc chắn sẽ tác động tới những nhà mạng khác. VinaPhone, MobiFone và các nhà mạng nhỏ sẽ phải điều chỉnh theo hướng giống Viettel nếu không muốn mất khách hàng".

Vị này cũng cho rằng, việc Viettel có lưu lượng ngoại mạng thấp hơn so với VinaPhone hay MobiFone không tạo ra lý do để nhà mạng này ra đề xuất trên. "Đến nay thị trường viễn thông không hoạt động theo hướng độc quyền nên không thể cho rằng Viettel có lợi thế nên đưa ra đề xuất này". Trước đó, Phó tổng giám đốc Viettel - ông Hoàng Sơn cho biết, nhà mạng này có thể tổn thất tới 80 tỷ/tháng nếu đề xuất này được thông qua.

Tuy vậy, một chuyên gia kinh tế khác phân tích, đứng ở góc độ của Viettel thì thiệt hại 1.000 tỷ đồng mỗi năm không phải là chuyện quá khó khăn, bởi chỉ riêng trong 6 tháng, doanh thu của doanh nghiệp này đã lên tới 90.000 tỷ đồng. "Lượng người dùng và lưu lượng có thể tăng lên khi áp dụng chính sách này là một hiệu ứng khác", ông này phân tích.

Trên thực tế, đề xuất giảm cước của Viettel khiến các mạng di động khác bất ngờ và không mong điều này xảy ra. Lý do là nếu Viettel giảm cước, họ cũng phải làm theo và doanh thu sẽ bị ảnh hưởng nhất định. Trong bối cảnh thị trường viễn thông đã tiến tới ngưỡng bão hoà, việc giảm cước để kích cầu sẽ phải đi kèm với việc đổi mới nhiều dịch vụ, chất lượng sản phẩm mà đây là điều không dễ dàng.

“Viettel giảm cước sẽ khiến thị trường di động có một cú huých mới sau thời gian dài bình lặng. Việc cú huých này có tạo ra sự thay đổi về chất của các mạng di động hay không thì cần thời gian mới có câu trả lời. Tuy nhiên, điều có thể thấy ngay là trong mọi trường hợp, người tiêu dùng luôn có lợi nhất”, một chuyên gia có kinh nghiệm trong ngành viễn thông chia sẻ. 

 

Hạ Minh

Bạn có thể quan tâm