Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao Viettel bất ngờ giảm cước di động sau 5 năm?

Nếu được thông qua, đề xuất của Viettel sẽ khiến cước di động giảm xuống khoảng 12,6% và hơn 120 triệu thuê bao tại Việt Nam sẽ được hưởng lợi ích này.

Kể từ năm 2009, mức cước di động nội và ngoại mạng ở Việt Nam khá ổn định. Đơn giá thoại nội mạng của thuê bao trả trước là 1.466đ/phút và liên mạng là 1.651đ/phút. Trong khi đó, giá cước gọi nội mạng của trả sau là 990 đồng/phút và ngoại mạng là 1.200 đồng/phút.

Trước thời điểm các dịch vụ gọi và nhắn tin miễn phí ra đời, dịch vụ viễn thông truyền thống vẫn là một trong những mảng mang lại doanh thu lớn cho nhà mạng. Tuy nhiên, cũng với sự tăng trưởng của các thuê bao 3G, các dịch vụ miễn phí sử dụng trên nền băng thông cũng trở nên phổ biến hơn. Người dùng được lựa chọn hình thức gọi mất phí thông qua nhà mạng, hoặc sử dụng dịch vụ thoại miễn phí.

"Bình thường nếu giảm giá cước thoại di động thì doanh nghiệp phải xin tăng giá 3G để bù, nhưng chúng tôi không làm như vậy. Chính sách này có thể giúp khách hàng không cần đắn đo khi sử dụng điện thoại di động, không cần lựa chọn mạng để gọi vì đã có một gói cước chung rồi", ông Hoàng Sơn, Phó tổng giám đốc Viettel cho hay. 

Kể từ năm 2009, thị trường viễn thông Việt Nam mới đón nhận tin giảm cước, sau một thời kỳ dài nhà mạng tăng cước sử dụng 3G.
Kể từ năm 2009, thị trường viễn thông Việt Nam mới đón nhận tin giảm cước, dù chỉ là dịch thoại, sau một thời kỳ dài nhà mạng tăng cước sử dụng 3G.

Vừa chịu nhiều áp lực cạnh tranh hơn, nhà mạng còn phải tìm cách tăng doanh thu trong thời điểm thị trường đã bắt đầu bão hòa, các chính sách siết thuê bao cũng khiến lượng người dùng ngắn hạn giảm đáng kể. Thế nhưng, với kiến nghị giữ nguyên cước 3G, đồng thời đặt giá cước di động chung, chính Viettel cũng tự nhận mình đang "làm ngược".

Phía Viettel cũng khẳng định rằng, gọi là đưa cước di động về một mức giá chung nhưng đây thực chất là giảm giá cước, không phân biệt gọi nội hay ngoại mạng. Việc giảm giá cước gọi và giữ nguyên giá data, theo như Viettel, là một động thái kích thích người tiêu dùng trong điều kiện kinh tế khó khăn và thuê bao có nhiều lựa chọn hơn, thay vì chỉ sử dụng dịch vụ của nhà mạng, từ đây sẽ giúp doanh nghiệp có thêm doanh thu nhờ mở rộng diện khách hàng.

Thực tế, việc Viettel áp dụng mức cước này không chỉ tác động đến riêng nhà mạng này mà có thể khiến cả thị trường viễn thông Việt Nam đứng trước cuộc cách mạng. Viettel đồng nhất giá cước tất yếu sẽ dẫn tới việc các nhà mạng khác buộc phải làm theo, như vậy, không chỉ 54 triệu người dùng của Viettel được hưởng lợi mà hơn 121 triệu thuê bao (tính đến tháng 5/2014) cũng sẽ được hưởng mức giá này.

Ngoài ra, dù VNPT không đưa ra con số tuyệt đối nhưng rõ ràng, doanh thu của Viettel trong 6 tháng hiện đã vượt xa so với các doanh nghiệp còn lại, đạt khoảng 90.000 tỷ đồng. Viettel cũng nhận định, phát triển thị trường data, đầu tư nước ngoài và sản xuất thiệt bị công nghiệp - công nghệ thông tin mới chính là cách tăng trưởng trong tương lai của nhà mạng này.

Với người tiêu dùng, đề xuất áp dụng một mức cước nhận được khá nhiều ý kiến đồng tình. "Thật là tuyệt nếu thực hiện như vậy, để người tiêu dùng không phải luôn cồng kềnh mấy sim, mấy số để được gọi nội mạng cho nhau", bạn Cao Huy Thông chia sẻ trên Zing.vn sau khi đề xuất giảm cước được đăng tải.

Trong khi đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, chỉ cần mức cước Viettel đưa ra không dưới giá thành và gửi báo cáo lên thì Bộ sẽ xem xét việc điều chỉnh giá cước này bởi đề xuất giá là do doanh nghiệp tự chủ động. Còn Viettel lại khẳng định, mức giá 12,6% này không khiến giá cước xuống dưới giá thành, và dù thiệt hại tới gần 1.000 tỷ đồng/năm thì nhà mạng này vẫn sẽ làm. Bài toán thực tế đặt ra với Viettel lúc này là con số doanh thu 80 tỷ đồng sụt giảm mỗi tháng có thể được bù đắp bằng việc giảm giá cước này hay không.

Hạ Minh

Bạn có thể quan tâm