Tháng 9/2019, Văn Hậu đối mặt bước ngoặt lớn trong sự nghiệp khi được sang SC Heerenveen thi đấu theo dạng cho mượn. Những mộng mơ hiện ra trong mắt hậu vệ sinh năm 1999. Tuy nhiên, 9 tháng sau, Văn Hậu nhiều khả năng không thể nuôi tiếp giấc mơ trên đất Hà Lan.
SC Heerenveen gặp khó khăn tài chính và không thể "kham" mức lương cho hậu vệ quê Thái Bình. Hơn nữa, suốt thời gian tại châu Âu, Văn Hậu không để lại được nhiều ấn tượng. Anh đã rất nỗ lực để hòa nhập với môi trường mới, nhưng cơ hội đá chính liên tục xa vời tầm tay.
Theo bình luận viên Shebby Singh của kênh truyền hình Fox Sports, chỉ việc sang châu khi đã 19 tuổi là quá muộn với Văn Hậu. Do đó, hậu vệ tuyển Việt Nam không thể cạnh tranh so với những cầu thủ bản địa ở SC Heerenveen. Chia sẻ với Zing, chuyên gia châu Á tin nếu Văn Hậu sang châu Âu sớm hơn, mọi thứ đã khác.
Văn Hậu không được trao nhiều cơ hội thi đấu khi sang Hà Lan. Ảnh: SC Heerenveen. |
- Vì sao những cầu thủ Việt Nam hay Thái Lan lại chưa tìm được chỗ đứng ở châu Âu?
- Với những cầu thủ ở châu Á, họ nên sang châu Âu từ lúc còn nhỏ. Với những cầu thủ bản địa châu Âu, họ trưởng thành ở đây, vì vậy có được nhiều cơ hội hơn. Đây là sự khác biệt so với cầu thủ châu Á.
Hãy lấy ví dụ, Chanathip Songkrasin là cầu thủ tuyệt vời. Với trình độ của anh ấy, J.League như đỉnh cao mà tiền vệ người Thái Lan vươn tới. Nếu đặt trường hợp Chanathip trưởng thành ở Đức, tôi cam đoan cầu thủ này sẽ chơi cho CLB của Bundesliga lúc này.
Với những tài năng châu Á, họ cần sang châu Âu sớm hơn nếu muốn gặt hái thành công. Không bao giờ có chuyện trình độ của cầu thủ sẽ thay đổi và phát triển vượt bậc nếu chỉ sang châu Âu thi đấu trong 3 hay 6 tháng. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh về tính thời điểm của cầu thủ châu Á khi tìm kiếm giấc mơ ở châu Âu.
Độ tuổi phù hợp để xuất ngoại là 12, 13, và trễ nhất là 14. Lúc đó, cầu thủ sẽ có đủ thời gian để trưởng thành và thích nghi với môi trường bóng đá mới. Tôi không nghĩ những ai sang châu Âu trễ hơn độ tuổi trên sẽ thu được thành công.
Văn Hậu nhiều khả năng trở lại thi đấu cho CLB Hà Nội trong giai đoạn 2 của V.League 2020. Ảnh: Minh Chiến. |
- Ông nghĩ như thế nào về trường hợp của Đoàn Văn Hậu?
- Như tôi đã nói, một cầu thủ châu Á khi đã 18, 19 hay 20 tuổi mới sang châu Âu thật sự là quá muộn. Đừng mơ họ sẽ tìm được cơ hội thi đấu. Nhưng nếu xuất ngoại sớm hơn trong độ tuổi 13 hay 14, mọi thứ có thể sẽ khác.
Về trường hợp của Đoàn Văn Hậu, tôi nhận thấy đó là cầu thủ tuyệt vời. Tại sao cậu ấy vẫn chưa được trao nhiều cơ hội thi đấu? Chúng ta phải nhìn nhận sự thật rằng, Văn Hậu sang châu Âu ở độ tuổi không hề phù hợp. Giải Hà Lan vẫn là sân chơi chất lượng và đòi hỏi cầu thủ phải có đẳng cấp cao.
Tôi thấy Văn Hậu lẽ ra nên chọn những CLB của Áo hoặc Thụy Sĩ, nơi sở hữu giải đấu thuộc hạng 2 châu Âu. Ở đó, hậu vệ này có lẽ được trao nhiều cơ hội ra sân hơn. Tôi nhấn mạnh lần nữa, không chỉ Văn Hậu, mà cả nhiều tài năng châu Á khác, họ nên sang châu Âu từ khi mới 12 hay 13 tuổi. Như vậy, những cầu thủ này sẽ có nhiều thời gian để trưởng thành và thích nghi với môi trường bóng đá mới. Tâm lý của họ cũng thay đổi.
Với Văn Hậu, tôi rất thích cầu thủ này. Cậu ấy thật sự tuyệt vời. Tuy nhiên, tôi không ngạc nhiên khi biết anh ấy đang chật vật tìm kiếm cơ hội thi đấu ở châu Âu. Văn Hậu nên cân nhắc tương lai, và chọn bến đỗ phù hợp hơn, như J.League (Nhật Bản), trong thời gian tới. Tại đây, tôi tin hậu vệ này sẽ được thi đấu nhiều hơn. Văn Hậu đừng phí thời gian ở châu Âu nữa vì mọi thứ quá muộn rồi.
Nếu Văn Hậu sang châu Âu sớm hơn, mọi thứ có thể đã khác. Ảnh: SC Heerenveen. |
- Vậy lối thoát cho Văn Hậu là rời châu Âu càng sớm càng tốt?
- Văn Hậu nên coi J.League như mục tiêu cần hướng tới. Với những cầu thủ Đông Nam Á, Nhật Bản là quốc gia có sân chơi vừa tầm với họ. Hãy nhìn Chanathip là ví dụ. Việc anh ấy có thể tỏa sáng cho thấy cầu thủ Đông Nam Á hoàn toàn đủ sức thi đấu và "sống sót" ở giải VĐQG quốc gia này.
Với những cầu thủ Thái Lan hay Việt Nam, họ nên xem J.League là bước đi đầu tiên cần chinh phục trước khi hướng tới những mục tiêu xa hơn. Nếu thành công tại Nhật Bản, một cầu thủ sẽ không bao giờ biết cơ hội nào sẽ chờ đợi tiếp theo. Còn với cầu thủ Việt Nam, nếu thực hiện bước nhảy vọt trực tiếp sang châu Âu, tôi không nghĩ họ sẽ thành công.
- Văn Hậu từng bị chê kém ngoại ngữ khi sang châu Âu. Vậy đó có phải nguyên nhân khiến hậu vệ này thất bại?
- Điều này cũng dễ hiểu. Đặt trường hợp Văn Hậu sang Hà Lan khi 12 hay 13 tuổi và tới lúc 18 tuổi, cậu ấy sẽ nói rất nhuần nhuyễn ngoại ngữ. Còn khi Văn Hậu sang Hà Lan, cậu ấy đã 19 tuổi. Như vậy, hậu vệ này sẽ mất thời gian lâu hơn để nói thạo ngoại ngữ bởi đã quá muộn rồi.
- Tư duy chiến thuật của Văn Hậu, và nhiều cầu thủ Đông Nam Á khác được cho là dưới trình cầu thủ châu Âu. Ông nghĩ sao về điều này?
- Tôi không nghĩ vậy. Về nhận thức chiến thuật hay kỹ thuật, tôi tin trình độ giữa cầu thủ Đông Nam Á và châu Âu ngang nhau. Như tôi đã nói, việc sang châu Âu quá trễ khiến cầu thủ Thái Lan hay Việt Nam mất nhiều thời gian để làm quen và thích nghi với nhiều thứ. Tại Hà Lan hay nhiều quốc gia châu Âu khác, ở đó không chỉ có những cầu thủ nội, mà còn xuất hiện nhiều tài năng đến từ châu Phi, châu Mỹ. Lúc này, tính cạnh tranh sẽ rất cao.
Nhìn chung, về nhận thức chiến thuật, tôi không nghĩ cầu thủ Việt Nam hay Thái Lan thua kém châu Âu. Tại Asian Cup hay AFC Champions League, tất cả đều thấy tính chiến thuật trong các cầu thủ Đông Nam Á rất cao. Điều này cho thấy nhận thức chiến thuật không phải vấn đề qua to tát với cầu thủ Đông Nam Á nếu so với châu Âu.
- Sau cùng, ông vẫn tin Văn Hậu không nên lãng phí thời gian ở châu Âu?
- Khi nhận thấy cơ hội tại châu Âu quá ảm đạm, về lại Việt Nam là bước đi cần thiết. Sau đó, Văn Hậu có thể tìm đến Nhật Bản, Hàn Quốc, UAE, Saudi Arabia. Đó là những quốc gia có giải VĐQG không hề tồi. Tôi nghĩ tới lúc Văn Hậu phải chấp nhận cậu ấy sẽ trở lại với thực tại và chơi bóng ở cấp độ châu Á trước tiên. Khi đã thành công ở Nhật Bản hay Hàn Quốc, Văn Hậu hãy tính đến chuyện sang châu Âu lần nữa.
- Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!