Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao tỷ phú Hứa Gia Ấn cần bỏ tiền túi trả nợ cho China Evergrande?

Tiền túi của tỷ phú Hứa Gia Ấn có thể không đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng của China Evergrande. Nhưng theo giới chuyên gia, điều này có thể thể hiện thiện chí của ông.

Theo CNN, China Evergrande đối mặt với khoản thanh toán 8 tỷ USD cho các nhà đầu tư nước ngoài trong năm tới. Tỷ phú Hứa Gia Ấn - nhà sáng lập kiêm chủ tịch tập đoàn - có thể phải bỏ tiền túi để trả nợ.

China Evergrande - tập đoàn bất động sản nợ nần nhất thế giới - đã xoay xở để tránh một vụ vỡ nợ. Nhưng nhà phát triển bất động sản vẫn còn nhiều khoản trả gốc và lãi trái phiếu khác.

Đến nay, vẫn chưa rõ China Evergrande sẽ huy động thêm tiền mặt bằng cách nào. Tập đoàn đã bán cổ phần trong một số lĩnh vực, từ kinh doanh xe điện cho đến tòa tháp văn phòng ở Hong Kong. Nhưng phần lớn thương vụ đã thất bại.

Ty phu Hua Gia An anh 1

Theo ước tính của Bloomberg Billionaires Index, giá trị tài sản ròng của tỷ phú Hứa Gia Ấn đã giảm từ mức đỉnh 42 tỷ USD hồi năm 2017 xuống còn khoảng 7,8 tỷ USD. Ảnh: Reuters.

Phải sớm thanh toán 8 tỷ USD

Theo các nhà phân tích của Moody's và S&P Global Ratings, China Evergrande sẽ phải thanh toán 8 tỷ USD lãi và gốc trái phiếu nước ngoài trong năm tới.

Theo Bloomberg, các quan chức Bắc Kinh yêu cầu tỷ phú Hứa Gia Ấn bỏ tiền túi để trả một phần khoản nợ hơn 300 tỷ USD của tập đoàn bất động sản này.

Theo truyền thông Hong Kong, ông Hứa đang dùng một biệt thự tại thành phố làm tài sản thế chấp cho khoản vay ở ngân hàng. Nguồn tin của Wall Street Journal cho biết China Evergrande đã có thêm 50 triệu USD tiền mặt sau khi bán hai chuyên cơ.

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở tỉnh Hà Nam, ông Hứa đã tận dụng các chính sách cải cách và mở cửa của Trung Quốc để trở thành doanh nhân giàu nhất đất nước.

Theo một cuốn sách, khi còn nhỏ, ông Hứa phải ăn bánh màn thầu làm từ ngô và ngũ cốc rẻ tiền. Ông thậm chí còn ăn màn thầu mốc. Nhà sáng lập China Evergrande ngủ trên một chiếc giường tre, bàn học làm từ đất sét.

Ty phu Hua Gia An anh 2

China Evergrande xây dựng hơn 1.000 dự án ở hàng trăm thành phố và tạo ra hơn 3,3 triệu việc làm mỗi năm. Ảnh: CNN.

Ông Hứa đã theo học Học viện Gang thép Vũ Hán, sau này là Đại học Khoa học và Công nghệ Vũ Hán. Ra trường, ông vào làm kỹ sư tại Wuyang Iron & Steel, nay là Wuhan University of Science and Technology - một tập đoàn nhà nước ở tỉnh Hồ Nam.

Năm 1992, trong chuyến thăm tới Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông), cựu lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình kêu gọi đẩy nhanh chính sách "cải cách và mở cửa". Vốn đã cảm nhận hơi thở tự do của nền kinh tế khi còn học đại học, ông quyết định rời bỏ tập đoàn quốc doanh, bước khỏi vùng an toàn và bắt đầu tìm kiếm công việc mới.

Năm 1996, ông Hứa thành lập China Evergrande chỉ với vỏn vẹn 8 nhân viên.

Dự án đầu tiên mà ông Hứa phát triển là tái thiết khu đất rộng 110.000 m2 tại thành phố Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông). Dự án đã mang về cho ông một nguồn doanh thu lớn, giúp tập đoàn phát triển thần tốc. Sau này, China Evergrande xây dựng và bán các dự án bất động sản trên khắp Trung Quốc.

Thể hiện thiện chí

China Evergrande niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong vào năm 2009. Từ quý I đến quý III/2010, tập đoàn là nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc (tính theo diện tích). Năm 2017, ông Hứa trở thành tỷ phú giàu nhất Trung Quốc.

Khi China Evergrande và các đối thủ cạnh tranh tích cực mở rộng, bất động sản đã đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. China Evergrande xây dựng hơn 1.000 dự án ở hàng trăm thành phố và tạo ra hơn 3,3 triệu việc làm mỗi năm.

Mùa hè năm 2020, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã công bố "ba lằn ranh đỏ" - những quy tắc thay đổi số phận của China Evergrande và ông Hứa. Các nhà băng được yêu cầu hạn chế cho vay đối với bất cứ tập đoàn địa ốc nào vượt qua một trong những "lằn ranh đỏ".

Các nhà phân tích cho rằng những "lằn ranh đỏ" đã góp phần vào cuộc khủng hoảng hiện tại của China Evergrande và các nhà phát triển bất động sản khác.

Trong nhiều thập kỷ, chúng ta đã quen với mô hình tăng trưởng cao. Nhưng giờ, chúng ta đang đi từ kỷ nguyên tăng trưởng cao sang kỷ nguyên tăng trưởng thấp của Trung Quốc

CEO Leland Miller của China Beige Book

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng theo đuổi chiến dịch "thịnh vượng chung", nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo tại đất nước 1,4 tỷ dân.

Bắc Kinh còn siết chặt kiểm soát đối với các tập đoàn tư nhân từ ngành công nghệ đến giáo dục.

Theo CNN, dường như ông Hứa không thể tự mình giải quyết vấn đề của China Evergrande. Khoản phải trả của tập đoàn lên tới hơn 300 tỷ USD. Trong khi đó, tài sản cá nhân của ông chỉ khoảng 7,2 tỷ USD, theo chỉ số Bloomberg Billionaires Index.

Nhưng theo chuyên gia Peter Cai tại Lowy Institute, việc ông Hứa bỏ tiền túi trả nợ "mang giá trị tượng trưng lớn hơn nhiều so với khả năng trả hết khoản nợ".

Trong khi đó, Bắc Kinh đã nhiều lần nhấn mạnh rằng có thể kiểm soát tình hình. "Trong nhiều thập kỷ, chúng ta đã quen với mô hình tăng trưởng cao. Nhưng giờ, chúng ta đang đi từ kỷ nguyên tăng trưởng cao sang kỷ nguyên tăng trưởng thấp của Trung Quốc", CEO Leland Miller của China Beige Book bình luận.

Kinh tế Trung Quốc chao đảo vì giá cả leo thang

Chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc tiếp tục lập kỷ lục mới trong tháng 10. Các nhà sản xuất cũng đang chuyển chi phí sang người tiêu dùng.

Doanh thu xổ số phơi bày bức tranh việc làm ảm đạm tại Trung Quốc

Doanh số bán xổ số tại Trung Quốc lao dốc cho thấy thực trạng tệ hại của thị trường lao động tại quốc gia 1,4 tỷ dân, trái ngược với những dữ liệu chính thức.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm