Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kinh tế Trung Quốc chao đảo vì giá cả leo thang

Chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc tiếp tục lập kỷ lục mới trong tháng 10. Các nhà sản xuất cũng đang chuyển chi phí sang người tiêu dùng.

Theo Nikkei Asian Review, hôm 10/11, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc đã tăng mức kỷ lục 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nền kinh tế thứ hai thế giới tiếp tục chao đảo khi các nhà sản xuất chật vật với giá hàng hóa tăng cao.

Mức tăng giá sản xuất đã vượt kỷ lục hồi tháng 9, đánh dấu ngưỡng cao nhất kể từ khi Trung Quốc thu thập dữ liệu vào tháng 10/1996. Tương tự tháng 9, chi phí sản xuất tăng cao được ghi nhận ở 36 trên 40 lĩnh vực công nghiệp. Khai thác than, dầu khí và luyện kim đều chịu ảnh hưởng.

Chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất của Trung Quốc giảm từ 49,6 trong tháng 9 xuống 49,2 vào tháng 10. Chỉ số này đã ghi nhận mức giảm trong 2 tháng liên tiếp.

Lam phat anh 1

Chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc liên tiếp lập các kỷ lục mới. Trong tháng 10, chi phí sản xuất tại đất nước 1,4 tỷ dân leo vọt 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Reuters.

Giá tăng chóng mặt

Nhu cầu tại đất nước 1,4 tỷ dân đã lao dốc do các đợt bùng phát Covid-19 trên khắp đất nước. Cùng với đó là những hạn chế nghiêm ngặt của chính quyền Bắc Kinh nhằm ngăn chặn virus lây lan.

Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc trong tháng 10 đã tăng gấp đôi từ 0,7% lên 1,5%. Nguyên nhân là giá rau, hàng tiêu dùng và nhiên liệu tăng mạnh.

Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc, giá thực phẩm tại đất nước 1,4 tỷ dân ghi nhận mức tăng hàng tuần trong tháng 10. Từ ngày 25 đến 31/10, rổ hàng hóa gồm 30 loại rau đã tăng 6,6% so với tuần trước đó lên 5,99 NDT/kg. Trong tuần 20-26/9, giá chỉ 4,39 NDT/kg.

Nhà kinh tế học Robin Xing của Morgan Stanley lưu ý rằng nhu cầu của người tiêu dùng “đã giảm”, nhất là khi các nhà chức trách công bố những hạn chế đi lại chặt chẽ hơn nhằm kiểm soát sự gia tăng đột biến của số ca nhiễm virus trong vài ngày qua.

Sự gián đoạn di chuyển chỉ là tạm thời, nhưng chiến dịch "zero Covid-19" (đưa số ca nhiễm mới về 0) của Trung Quốc khiến lĩnh vực dịch vụ thường xuyên phải hứng chịu những cú sốc

- Công ty nghiên cứu Capital Economics (có trụ sở tại Anh)

Các nhà sản xuất cũng đang chuyển gánh nặng chi phí cho khách hàng. "Việc giá đầu ra tăng vọt trong tháng 10 là đáng báo động", ông Zhang Zhiwei - nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management Ltd. - nhận định.

"Điều này có thể dẫn đến áp lực gia tăng lạm phát giá tiêu dùng và thu hẹp dư địa nới lỏng các chính sách tiền tệ", ông nói thêm.

Các nhà kinh tế đang cảnh báo về những rủi ro đến từ các đợt bùng phát Covid-19 mới. Hôm 9/11, 9 tỉnh tại Trung Quốc đã ghi nhận các ca nhiễm mới, nâng tổng số bệnh nhân mắc Covid-19 trên toàn quốc lên 1.222 người.

Làn sóng dịch bệnh hiện tại cũng giáng đòn mạnh vào ngành dịch vụ, theo công ty nghiên cứu Capital Economics (có trụ sở tại Anh). "Sự gián đoạn di chuyển chỉ là tạm thời, nhưng chiến dịch 'Zero Covid' (đưa số ca nhiễm mới về 0) của Trung Quốc khiến lĩnh vực dịch vụ thường xuyên phải hứng chịu những cú sốc", hãng nghiên cứu nhận định.

Triển vọng ảm đạm

"Điều đó dẫn đến cái nhìn kém lạc quan hơn đối với triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc", Capital Economics nói thêm.

Các nhà kinh tế bắt đầu hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý IV/2021 và năm 2022 do rủi ro tăng cao. Nomura hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc xuống 3%, sau khi lần lượt đạt 18,3%, 7,9% và 4,9% trong quý I/2021, quý II và quý III.

"Chúng tôi tin rằng các điều kiện kinh tế tại Trung Quốc sẽ còn xấu đi hơn nữa. Bởi các 'vết thương' vẫn là chưa đủ để Bắc Kinh thực sự hành động", các nhà kinh tế Ting Lu và Jing Wang của Nomura bình luận.

Ngân hàng đầu tư này hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc từ 3,4% xuống 2,9% trong quý I/2022 và từ 4,4% xuống 3,8% trong quý II.

Lam phat anh 2

Khi các nhà sản xuất và người tiêu dùng chật vật với giá hàng hóa tăng cao, triển vọng tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng đáng kể. Ngày càng nhiều nhà kinh tế hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của đất nước trong cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Ảnh: Reuters.

Theo ông Bruce Pang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu chiến lược và vĩ mô tại China Renaissance, áp lực lạm phát và việc các nền kinh tế khác thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ hạn chế phạm vi nới lỏng chính sách tiền tệ của chính quyền Bắc Kinh.

"Do khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ bị hạn chế, Trung Quốc có thể cần đến các chính sách tài khóa và công nghiệp để ngăn chặn tình trạng đình lạm (tăng trưởng kinh tế đình trệ trong khi tỷ lệ lạm phát tăng cao)", ông Pang bình luận. Ông cho rằng nền kinh tế có thể tăng trưởng 4-5% trong quý IV/2021.

Đình lạm là một hiện tượng kinh tế trong đó giá cả tăng cao nhưng hoạt động kinh doanh đình trệ, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao và sức chi tiêu của người tiêu dùng sụt giảm.

Doanh thu xổ số phơi bày bức tranh việc làm ảm đạm tại Trung Quốc

Doanh số bán xổ số tại Trung Quốc lao dốc cho thấy thực trạng tệ hại của thị trường lao động tại quốc gia 1,4 tỷ dân, trái ngược với những dữ liệu chính thức.

Nhiều người tiêu dùng châu Á không mua nổi thịt bò

Nguồn cung không theo kịp nhu cầu khiến giá thịt bò tại châu Á tăng vọt. Nhiều người tiêu dùng buộc phải chuyển sang mua thịt gà và lợn thay thế.

Thảo Cao

Bạn có thể quan tâm