Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao tỷ giá USD tăng nhiệt?

Trong ngân hàng, đôla Mỹ bán ra niêm yết kịch trần, còn trên thị trường "chợ đen", mỗi USD bán ra đã có giá 21.830 đồng/USD vào sáng 8/7, cao hơn gần 600 đồng so với ngân hàng.

Vì sao tỷ giá USD tăng nhiệt?

Trong ngân hàng, đôla Mỹ bán ra niêm yết kịch trần, còn trên thị trường "chợ đen", mỗi USD bán ra đã có giá 21.830 đồng/USD vào sáng 8/7, cao hơn gần 600 đồng so với ngân hàng.

Giá đôla trên thị trường chợ đen ở Hà Nội tiếp tục tăng nhanh trong ngày đầu tuần. Tại Hà Trung, chủ một số điểm thu đổi ngoại tệ cho biết đầu ngày 8/7, giá thu gom USD là 21.770-21.780 đồng nhưng đến trưa, mức giá thu mua đã lên 21.790 đồng, còn bán ra là 21.830 đồng/USD. So với cuối tuần trước, mỗi USD đã tăng thêm hơn 100 đồng ở cả hai chiều mua và bán. “Giá tăng nhiều trong vòng 5-6 ngày trở lại đây, ngay sau khi quy định mới về lãi suất USD có hiệu lực và giá vàng diễn biến bất thường lúc lên lúc xuống, vênh cao so với thế giới”, chủ một điểm thu đổi ngoại tệ ở Hà Trung tiết lộ.

 Trên thị trường tự do và ngay cả trong các ngân hàng, tỷ giá mua bán USD đang tăng mạnh và được dự đoán có xuất phát điểm từ việc nhập lậu vàng.

Trong ngân hàng, tính đến hôm nay, đã nhiều ngày đồng bạc xanh bán ra ở kịch trần 21.246 đồng/USD, còn giá thu mua cũng ở trên 21.000 đồng, phổ biến 21.230 đồng. Chênh lệch giữa mua và bán chỉ 16 đồng, khá thấp so với mức 20-30 đồng những ngày trước đó. Thậm chí, đã có một số chi nhánh phát giá thu mua và bán ra đều cao hơn so với niêm yết. Nhân viên phòng ngoại hối một ngân hàng cho biết, từ nhiều ngày nay, giá đôla mua vào và bán ra không như niêm yết trên bảng thông báo, đặc biệt với số lượng nhiều. Còn nếu tính theo niêm yết, mỗi đôla trong ngân hàng đang rẻ hơn thị trường gần 600 đồng.

Giá đôla ngân hàng và chợ đen đều tăng mạnh trong những ngày vừa qua, ngay cả khi các ngân hàng đã tất toán trạng thái vàng là diễn biến lạ. Trước đó, nhiều chuyên gia khi đưa nhận định về diễn biến tỷ giá đều cho rằng, áp lực tăng tỷ giá chủ yếu xuất phát từ thị trường vàng, do đó, khi căng thẳng trạng thái không còn, nhiều khả năng, tỷ giá sẽ có dấu hiệu hạ nhiệt. Cơ quan điều hành là Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, đợt biến động của thị trường ngoại hối trước khi điều chỉnh tăng tỷ giá 1% chỉ là nhất thời, sẽ không kéo dài lâu. Thực tế thì không như vậy…

Ông Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng, người trước đó đã dự báo, đợt tăng tỷ giá trước khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh chỉ là phản ứng của thị trường khi nhu cầu vàng lớn, cho rằng, lần này, áp lực vẫn xuất phát chủ yếu từ thị trường vàng. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá quốc tế vẫn cao lên tới gần 6 triệu đồng/lượng kích thích các đối tượng đầu cơ, nhập lậu vàng để kiếm lời. Theo dự báo của chuyên gia này, với mức tỷ giá lên tới xấp xỉ 21.850 đồng/USD nói trên, số lượng vàng nhập về khi giá giảm, nhu cầu trong nước tăng lên chắc chắn không thể nhỏ.

Bên cạnh đó, xu hướng tăng tỷ giá lên rất “nóng” trong những ngày vừa qua, theo lời chuyên gia nói trên, là yếu tố tâm lý. Khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng thêm 1% - dù trong biên độ cho phép, thì niềm tin của một bộ phận vào đồng Việt Nam cũng dần mất đi, đổ sang găm giữ đôla. Bị tác động bởi thị trường vàng, giá đôla tăng cao khiến cho tâm lý đầu cơ ngoại tệ nảy sinh, đẩy giá đồng tiền này tăng vọt so với những ngày trước đó, ông Hiếu thẳng thắn bày tỏ. “Tuy vậy, cũng giống như biến động trước, lần này, tỷ giá tăng cũng chỉ là sóng. Vì xu hướng dài hạn liên quan đến các yếu tố vĩ mô, nhập khẩu, tôi chưa thấy có tác động tích cực hay áp lực đáng kể nào lên tỷ giá USD”, ông Hiếu nêu ý kiến.

Một chuyên gia khác trong lĩnh vực ngân hàng cũng chia sẻ, tăng tỷ giá lần này, có tác động gián tiếp từ việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh hạ lãi suất VND và USD. Khi lãi suất hạ, tiền gửi bằng VND hay USD đều không còn có sức hấp dẫn lớn với người dân. Thị trường vàng biến động không ngừng trở thành nơi đầu tư, đầu cơ chính thức. Ông này dự đoán, những ngày vừa qua, không loại trừ khả năng một lượng tiền tiết kiệm từ ngân hàng được rút ra, chuyển hướng sang vàng đẩy nhu cầu mua, nhập lậu kim loại này tăng lên, gia tăng áp lực lên thị trường ngoại hối.

Đồng tình với quan điểm của ông Hiếu, vị này cho rằng, nhân tố kích thích tỷ giá tăng nhiệt những ngày vừa qua vẫn là giá vàng trong nước, quốc tế cùng biến động mạnh với xu hướng nội cao hơn ngoại 5-6 triệu đồng/lượng. Chuyên gia này cho biết, cần phải lưu ý về diễn biến lạ khi mà các ngân hàng đã phải tất toán xong trạng thái trước ngày 30/6, nhưng các phiên thầu của Ngân hàng Nhà nước, vàng vẫn “cháy”, được thu gom hầu như gần hết cho thấy cầu vàng trong nước còn rất lớn mà không ở bộ phận người dân. Hiện tượng nói trên đang khiến cho dự báo tỷ giá từ nay đến cuối năm của nhiều chuyên gia đang bị điều chỉnh dần. Mục tiêu ổn định tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước cũng bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, đại diện nhiều nhà băng vẫn phủ nhận việc gom đôla để tập trung vào thị trường vàng. Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần ở Hà Nội cho biết, tỷ giá tăng chỉ là xu hướng nhất thời, liên quan đến cung cầu trên thị trường. Nhu cầu mua đôla tích trữ để thanh toán các khoản vay nợ, xuất nhập khẩu đến hạn là nhân tố chính đẩy tỷ giá lên vùng sát 21.850 đồng/USD trên thị trường chợ đen và kịch trần trong các ngân hàng.

Lan Anh

Theo Infonet
 

Lan Anh

Theo Infonet
 

Bạn có thể quan tâm