Đây có thể xem là một trong những trận đấu mang đậm phong cách bóng đá của HLV Philippe Troussier.
Tầm ảnh hưởng của Tuấn Anh – Thái Sơn
Việc Hoàng Đức không thể góp mặt trong trận đấu với Syria buộc HLV Troussier phải điền tên tiền vệ trẻ Nguyễn Thái Sơn vào danh sách đăng kí thi đấu trước trận. Cầu thủ sinh năm 2003 thậm chí có mặt trong danh sách đá chính của ĐT Việt Nam và cho thấy màn thể hiện ấn tượng trong lần ra mắt bên cạnh Tuấn Anh.
Cặp tiền vệ trung tâm mà HLV Troussier lựa chọn đã phát huy giá trị của mình ở tầm hoạt động và khả năng liên kết lối chơi để giúp các cầu thủ áo đỏ thiết lập thế trận chắc chắn cũng như hiệu quả trong khâu kiểm soát bóng.
Cả Tuấn Anh và Thái Sơn đều có khả năng di chuyển hỗ trợ tốt. |
Liên kết trong phạm vi nhỏ và mở ra khoảng trống cho các cầu thủ tấn công. |
Trên nền tảng bộ kĩ năng của mình, cả Tuấn Anh và Thái Sơn đều là những mẫu tiền vệ trung tâm có sự liên tục với bóng. Trong tình huống ở phút thứ 10 của trận đấu, ngay sau tình huống phối hợp ở hành lang cánh phải, cặp đôi này đã xuất hiện ở hành lang đối diện chỉ sau đó vài giây để tiếp tục tạo sự liên kết và trở thành cầu nối triển khai bóng cho các đồng đội.
Thái Sơn và Tuấn Anh tiếp tục xuất hiện ở gần bóng. |
Trong cách bố trí sơ đồ 3-4-3 của mình, cấu trúc đội hình mong muốn của ông Troussier ở thời điểm có bóng trên phần sân đối phương luôn là 3-2-5.
Không khó để nhận ra ĐT Việt Nam muốn tạo ra sự có mặt thường trực của một hàng ngang 5 cầu thủ tấn công. Phía dưới họ, là 3 trung vệ cùng 2 tiền vệ trung tâm di chuyển hỗ trợ nhằm mục đích kiểm soát và phát triển bóng lên phía trước.
Việc Tuấn Anh cùng Thái Sơn luôn chơi gần nhau, gần vị trí của trái bóng đóng một vai trò quan trọng trong cách tấn công của ĐT Việt Nam.
Tuấn Anh và Thái Sơn vừa đóng vai trò di chuyển hỗ trợ, vừa là những người phân phối bóng lên phía trước. |
Cấu trúc đội hình mong muốn của ĐT Việt Nam trên phần sân đối phương. |
Tình huống dẫn đến đường chuyền tạo cơ hội của Quang Hải cho Công Phượng. |
Không chỉ dừng lại ở vai trò thầm lặng trong khâu kiểm soát bóng như đã nói, tầm quan trọng của cặp tiền vệ trung tâm của ĐT Việt Nam còn được thể hiện trực tiếp trong bàn thắng duy nhất của Tuấn Hải ở đầu hiệp hai. Đó là pha bóng mà tính liên tục được cả Tuấn Anh và Thái Sơn thể hiện ở cả thời điểm có bóng lẫn thời điểm chuyển đổi từ có bóng sang không có bóng.
ĐT Việt Nam để mất bóng, Tuấn Anh lập tức gâp áp lực lên đối phương. |
Thái Sơn cũng cho thấy phản xạ của mình và đoạt lại bóng ngay trước khu vực 16m50. |
Một trận đấu có dấu ấn lớn của cặp tiền vệ trung tâm lần đầu thi đấu cùng nhau trong màu áo ĐTQG. Một người đã dày dặn kinh nghiệm thi đấu, một người dù còn rất trẻ nhưng luôn cho thấy một tâm lý chơi bóng đầy ổn định. Điểm chung của cả hai là cường độ hoạt động, sự liên tục trong lối chơi, và những quyết định xử lý cơ bản, đơn giản.
Đó là nền tảng để đặt các cầu thủ tấn công của ĐT Việt Nam vào những khu vực hoạt động sở trường, nơi Quang Hải, Công Phượng hay Tuấn Hải thể hiện tối đa phẩm chất của mình.
Các cầu thủ tấn công được giải phóng
Khác với cuộc đối đầu trước Hong Kong (Trung Quốc), nơi Quang Hải hay những tiền vệ tấn công khác thường xuyên có xu hướng lùi sâu nhận bóng một cách không mấy cần thiết, những điều chỉnh của HLV Philippe Troussier trong vai trò của các cầu thủ trên sân đã chứng kiến một ĐT Việt Nam tấn công có sức nặng hơn rõ rệt.
Từ nền tảng trong cách hoạt động của hai tiền vệ trung tâm, các mũi nhọn ở tuyến trên cũng được yêu cầu kiên trì hơn trong cách chọn vị trí và di chuyển của mình. Điều đó dẫn đến việc Công Phượng và Quang Hải được chơi gần nhau hơn, ở những phạm vi tấn công nguy hiểm và phát huy giá trị của mình ở gần vòng cấm địa đối phương.
Công Phượng và Quang Hải có mặt ở vị trí giữa các tuyến phòng ngự của đối phương. |
Hai tiền vệ tấn công của ĐT Việt Nam vì thế cho thấy sự liên kết chặt chẽ hơn. |
Với những trạm trung chuyển bóng hoạt động hiệu quả ở tuyến giữa như Tuấn Anh và Thái Sơn, các tiền vệ tấn công của ĐT Việt Nam gần như chỉ tập trung vào điểm mạnh của mình ở khả năng tạo ra các pha bóng nguy hiểm, hơn là việc tham gia vào khâu triển khai bóng từ tuyến dưới.
Không khó để nhận ra hình ảnh Công Phượng, Quang Hải hay Tuấn Hải ở hiệp 2 chơi gần nhau, gần vòng cấm địa đối phương cho thấy điểm mạnh của mình.
Tuấn Anh phát triển bóng lên phía trước. |
Công Phượng và Quang Hải chơi gần nhau, mở ra các khoảng trống ở biên. |
Hệ quả tất yếu đến khi sức nặng trong các pha tấn công của ĐT Việt Nam được gia tăng. Khi quân số ở hàng ngang tấn công của chúng ta được đảm bảo, cùng sự ổn định trong việc phát triển bóng lên phía trước, thì các cơ hộ đến theo một cách dễ hiểu với sự đa dạng trong phẩm chất chơi bóng của các cầu thủ tấn công.
Tuấn Anh phát triển bóng lên phía trước. |
Văn Hậu nhận bóng, Tuấn Hải tấn công chiều sâu. |
Cơ hội dứt điểm của Quang Hải. |
Bất chấp những nghi ngại từ người hâm mộ, HLV Philippe Troussier không mất nhiều thời gian để giúp ĐTQG trình diễn một phong cách bóng đá mới mẻ, có tính tổ chức theo triết lý kiểm soát bóng và tấn công của mình.
Một bộ mặt mới của ĐT Việt Nam đang hình thành, giờ là lúc chờ đợi quá trình làm việc tiếp theo của vị chiến lược gia người Pháp và các cầu thủ để kiểm chứng xem liệu phong cách bóng đá này có thể tạo nên những thế trận sòng phẳng với các đối thủ ở đẳng cấp cao hơn hay không.