Tuyển Việt Nam sẽ không chơi trận nào tại miền Nam trong phần còn lại của năm 2019. Tuy nhiên, đội tuyển hoàn toàn có thể quay lại miền Nam để đáp lại tình yêu và mong mỏi nơi người hâm mộ trong thời gian tới.
Công Phượng trong trận gặp Jordan tại vòng loại Asian Cup 2019 trên sân Thống Nhất hồi năm 2017. Ảnh: Minh Chiến. |
Trước hết, đưa đội tuyển quốc gia đến với các địa phương ngoài Hà Nội luôn là chiến lược của VFF trong những năm trở lại đây. Trước thời HLV Park Hang-seo, tuyển Việt Nam của Nguyễn Hữu Thắng hay Toshiya Miura đều từng thi đấu ở các địa phương. HLV Hữu Thắng dẫn dắt Việt Nam đá giao hữu với Avispa Fukuoka ở sân Cần Thơ vào năm 2016, HLV Toshiya Miura có trận ra mắt tuyển Việt Nam tại Gò Đậu trong năm 2014.
Riêng HLV Hữu Thắng đã có 2 trận tại Thống Nhất gặp Jordan ở vòng loại Asian Cup, giao hữu với CHDCND Triều Tiên trong năm 2016 và 2017.
Kết quả thi đấu lẫn số lượng khán giả tới sân trong cả 4 trận ấy đều khả quan. Trận đấu tại Cần Thơ mang tới kỷ lục hơn 50.000 CĐV đến sân. 2 trận cầu ở Thống Nhất đều gần kín chỗ. Trận ra mắt của HLV Miura tổ chức trong bối cảnh ảm đạm hậu SEA Games 2013 vẫn kéo hơn 10.000 người về Gò Đậu.
Mới đây, đội hình hai của U23 Việt Nam vắng cả HLV Park Hang-seo lẫn Nguyễn Quang Hải, Đoàn Văn Hậu vẫn tạo nên cơn sốt vé ở sân Việt Trì, Phú Thọ.
Tuyển Việt Nam sẽ không chơi trận nào ở miền Nam trong phần còn lại của năm. Ảnh: Minh Chiến. |
Dù hầu hết trong số này không đạt tới mốc 40.000 CĐV của Mỹ Đình ở trạng thái kín chỗ, những thống kê ấy vẫn mang tới tín hiệu tích cực cho kế hoạch đưa tuyển Việt Nam tới gần hơn với người hâm mộ miền Trung và miền Nam.
VFF chắc chắn hiểu rõ điều đó. Hơn một năm rưỡi ở Việt Nam, HLV Park Hang-seo và các học trò chưa từng có cơ hội thi đấu trước sự chứng kiến của người hâm mộ miền Nam. Từ U23 châu Á tới Asian Games, từ AFF Cup tới Asian Cup, tuyển Việt Nam đều chuẩn bị và thi đấu tại Hà Nội. Các giải giao hữu quan trọng của đội tuyển và U23 như M-150 Cup (Thái Lan), U23 quốc tế (Hà Nội), King’s Cup 2019 (Thái Lan) đều tổ chức ở nước ngoài hoặc thủ đô.
Vòng loại U23 châu Á 2020 ban đầu dự tính tổ chức ở TP.HCM, nhưng sau đó cũng được chuyển ra Hà Nội. Điều đó khiến khán giả miền Nam “đói” các trận đấu của đội tuyển hơn bao giờ hết.
Chia sẻ với Zing.vn, Tổng thư ký Lê Hoài Anh xác nhận: “Quan điểm của liên đoàn luôn muốn đưa trận đấu của các đội tuyển quốc gia tới những địa phương. Tuy nhiên, điều đó chỉ diễn ra với 2 điều kiện. Thứ nhất là sân địa phương đáp ứng được tiêu chuẩn thi đấu. Thứ 2 là việc di chuyển phù hợp với tính toán chuyên môn của ban huấn luyện. Khi đó, liên đoàn sẽ tính toán để đáp lại mong mỏi của người hâm mộ”.
Kế hoạch hoạt động của đội tuyển cũng không phải thứ có thể thay đổi bất chợt. Kế hoạch đó luôn được đề ra trước ít nhất 6 tháng và phải phục vụ mục đích cao nhất là chuyên môn của tuyển quốc gia.
Khán giả miền Nam có thể tận mắt xem thầy trò HLV Park Hang-seo thi đấu trong năm 2020 khi lịch trình của đội tuyển đã bớt dày đặc, và VFF có nhiều thời gian tính toán hơn.
HLV Park không đề nghị tuyển Việt Nam đá ở sân Thống Nhất
Trước những thông tin không chính xác xoay quanh việc HLV Park Hang-seo đề nghị tổ chức một trận vòng loại World Cup 2022 trong tháng 11 tại TP.HCM, Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn và Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh đều khẳng định không có chuyện này.
VFF cũng cho biết việc tổ chức 2 trận đấu với UAE (14/11) và Thái Lan (19/11) trong tháng 11 ở 2 thành phố khác nhau sẽ làm ảnh hưởng tới thể lực và sự chuẩn bị chuyên môn của đội tuyển.